THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:20

Lãnh đạo phải vượt qua được chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ

Thiếu mục tiêu về hiệu quả sử dụng nguồn lực 
 Diễn đàn hướng tới cách tiếp cận gắn bó và phù hợp với các điều kiện đã và đang thay đổi, từ đó tìm kiếm, đề xuất các quan điểm, chính sách và giải pháp khả thi.

Hệ thống ngân hàng đã qua được cơn sóng gió, song “cục máu đông” nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng còn tăng lên. Hệ thống ngân hàng mặc dù đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng, song đang rất yếu và vận hành trên nền tảng thiếu vững chắc. TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng: Không thế xử lý nợ xấu bằng khẩu hiệu và không nên tiếp cận vấn đề lấy ngân sách để xử lý nợ xấu. Đây là vấn đề kỹ thuật. Trong 5 năm qua, đã có nguồn tiền tương đương hơn 12% GDP đưa vào xử lý nợ xấu, khoảng 15 tỷ đôla. Tuy nhiên, việc xử lý dường như vẫn chưa tiến triển.

Quang cảnh diễn đàn 

Hệ thống doanh nghiệp nhìn chung vẫn yếu, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân - thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh. TS. Trần Đình Thiên dẫn chứng: Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) song thực chất tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa - phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng - chỉ đạt được không đáng kể - có thể chỉ 10-15% tổng số vốn của các DNNN được cổ phần hóa. Bình luận về con số này, ông Thiên cho rằng, thực sự đây là một tỷ lệ quá ít ỏi để thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp - yếu tố cốt lõi để cải thiện căn bản hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Dường như cách cổ phần hóa DNNN vẫn theo logic “hoàn thành nhiệm vụ”, được dẫn dắt bởi “chủ nghĩa thành tích” chứ không đi vào thực chất của sứ mệnh phải làm.

"Kết quả tái cơ cấu khiêm tốn cũng có nghĩa là mô hình tăng trưởng không thay đổi được bao nhiêu" - TS. Thiên nhấn mạnh.  

Theo TS. Nguyễn Đình Cung trình bày tại hội thảo, vấn đề chính, trọng tâm của hệ tư duy của chúng ta lâu nay luôn hướng tới huy động nguồn lực, mà đáng lẽ phải chú trọng vào phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư thấp và không được cải thiện, 3 đơn vị tín dụng mới đạt được 1 đơn vị tăng trưởng. Nguồn lực lớn lại chủ yếu tập trung ở khu vực Nhà nước, nơi có hiệu quả sử dụng thấp hơn khu vực tư nhân, làm xói mòn năng lực cạnh tranh, xói mòn sự thịnh vượng của quốc gia. Một loạt các dự án đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả là những ví dụ rõ ràng được nêu ra về sự phân bổ nguồn lực kém hiệu quả. 
“Hàng năm, chúng ta thường tính toán chỉ tiêu giải ngân bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu, tín dụng bao nhiêu mà chưa có sự tính toán về hiệu quả sử dụng nguồn lực đó, vấn đề hiệu quả không được đặt thành mục tiêu”, TS. Nguyễn Đình Cung nói. 
Nhận diện những thách thức
Do đó, theo các chuyên gia, tái cơ cấu giai đoạn 2 phải tập trung phân bổ nguồn lực thay vì huy động nguồn lực. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu về phân bổ sẽ làm thay đổi cấu trúc quyền lợi, nên sẽ vấp phải sự phản đối lớn. Theo đó ông Cung nhấn mạnh, để làm được điều này, các nhà lãnh đạo phải vượt qua được chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ.

“Phải thay đổi cách thức thực hiện thì tái cơ cấu mới hy vọng thành công, còn không, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu dần”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm,ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Nghĩa là chúng ta phải ráo riết tái cơ cấu, nhưng là tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập”.

 Một vấn đề nữa không thể không đề cập đến là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào vận hành đã và đang tác động rất mạnh đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của AEC là hình thành “một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất”, nhưng công cụ thực hiện vẫn chủ yếu dựa trên nguyên lý sức mạnh cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên, của các tập đoàn doanh nghiệp. Trong cuộc đua tranh sắp xếp chiến lược này, Việt Nam đang bị kém thế trên nhiều phương diện. 

“Tái cơ cấu không có gì khác hơn là nền kinh tế đang “lột xác”, một tạo “đột biến cấu trúc” để trưởng thành, nhưng cũng là thời đoạn mong manh, nhạy cảm, dễ gặp rủi ro bậc nhất. Nó sẽ chịu tác động rất mạnh từ cú “hạ cánh” của Trung Quốc”, ông Trần Đình Thiên cảnh báo

Do đó, giảm thiểu tác động gây “sốc” từ cú “hạ cánh” còn chưa rõ là “cứng” hay “mềm” của nền kinh tế Trung Quốc và phải nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc cơ cấu vào nền kinh tế Trung Quốc là hai vấn đề đều lớn, khó giải quyết bậc nhất đặt ra cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh