THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:45

Tái cơ cấu để giảm áp lực nợ công

Nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn

GS TS Nguyễn Công Nghiệp, Chủ nhiệm khoa Tài chính, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính cho rằng, những năm gần đây, tỷ lệ nợ công, đặc biệt là nợ Chính phủ trên GDP đang tăng nhanh, chi phí trả nợ ngày càng cao; thu ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, trong khi tốc độ chi tăng nhanh làm cho cân đối NSNN hết sức căng thẳng và bị động, đang đe dọa đến khả năng trả nợ hàng năm của Chính phủ. "Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn vay có những biểu hiện lãng phí, tiêu cực và kém hiệu quả, một số khoản vay do Chính phủ bảo lãnh đã không thu xếp được nguồn để trả nợ khi đến hạn... Thực tế đó đòi hỏi Chính phủ cần phải có những biện pháp căn cơ và hiệu quả để giải quyết thấu đáo", GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nói.

Theo TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) thì “cơ bản nợ công vẫn nằm trong giới hạn quy định”. Còn ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cũng khẳng định “chỉ số nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát”.

Ngược với sự lạc quan của các quan chức Bộ Tài chính, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, nợ công của Việt nam hiện nay rất đáng quan ngại. Ông Doanh dẫn chứng: “Theo số liệu được Chính phủ công bố, đến năm 2015, nợ công của Việt Nam đã lên tới 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với con số 1,3 triệu tỷ đồng vào năm 2011 (tăng 20%/năm), vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế, trong khi thu ngân sách gặp thách thức lớn do nhiều lý do (giá dầu thô giảm, thu từ bán đất chững lại…). WB, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế đều đồng loạt cảnh báo về nguy cơ nợ công tăng quá nhanh và việc trả nợ gặp khó khăn”.

Theo TS Lê Đăng Doanh thì, có những chỉ dấu cho thấy con số nợ công đã được công bố có thể còn chưa chính xác và đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Trước hết, theo quy chế về NSNN hiện nay, một số khoản thu chưa được hoạch toán vào NSNN như một phần trái phiếu chính phủ, một phần vốn ODA. Khoản nợ xây dựng cơ bản của các địa phương cũng chưa được tính vào. 

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về số liệu nợ công do Bộ Tài chính công bố liệu có chính xác và đầy đủ? Theo số liệu về nợ công do Bộ Tài chính công bố tại hội thảo, huy động nợ công trong giai đoạn 2011- 2015 được hơn 2,7 triệu tỷ đồng, bình quân 14% GDP, chiếm khoảng 44 % tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tốc độ tăng bình quân hàng năm ở mức nhanh 16,7%/năm. Tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Đánh giá chung, công tác quản lý nợ công về cơ bản đáp ứng các mục tiêu đề ra, góp phần huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển KTXH. Cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,8% dư nợ, nợ được chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%. 

 Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long khẳng định, những số liệu nợ công Bộ Tài chính đưa ra là chính xác. Đây là số liệu tính đúng theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành của Việt Nam. "Bên cạnh đó, việc tổ chức huy động và sử dụng vốn vay đã được triển khai trên cơ sở các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ", ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.

Hiệu quả sử dụng vốn vay còn dàn trải

Thêm vấn đề lo ngại đặt ra hiện nay là tốc độ nợ công đang tăng nhanh, và tiệm cận giới hạn cho phép, xuất phát chủ yếu từ áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển KTXH và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh.

Bên cạnh đó, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Hơn nữa, việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải; các công cụ quản nợ còn thiếu, chưa đảm bảo chủ động; công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương; vẫn còn tư tưởng dựa vào sự bao cấp của nhà nước nên phê duyệt quá nhiều dự án, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra phổ biến... Theo TS. Lê Đăng Doanh, nhiều công trình đầu tư bị đội vốn lên cao, do chất lượng công trình yếu kém phải đầu tư sửa chữa nhiều. "Có công trình chưa kịp trả nợ cũ đã phải vay mới để tái đầu tư, dẫn đến gánh nặng nợ tăng cao".

Đóng góp vào công tác quản lý nợ công trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, nợ công chịu sự ảnh hưởng của nhân tố như: bội chi ngân sách, tăng trưởng kinh tế (GDP), lãi suất, lạm phát, tỷ giá cũng như các yếu tố kỹ thuật về quản lý nợ công. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải hình thành cho các phương thức quản lý nợ công hiệu quả trong một môi trường kinh tế vĩ mô dự báo sẽ còn nhiều biến động. “Điều quan trọng nhất hiện nay là cần khẩn trương xây dựng báo cáo về tình hình KTXH nói chung và cân đối NSNN nói riêng, bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”, chỉ ra những nguyên nhân lâu dài và trực tiếp dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách ngày càng tăng, nợ công tăng lên nhanh chóng và nguy cơ vỡ nợ là hiện thực”, ông Doanh khuyến nghị.

Vì vậy, theo ông Doanh, cần xây dựng lộ trình tái cơ cấu NSNN với những bước đi đồng bộ tích hợp như tinh giảm bộ máy, tái cơ cấu ngân sách, thực hiện công khai minh bạch tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực, thực hiện trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân đối với chi tiêu công, đầu tư công, sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư công, mua sắm công, cắt giảm chi tiêu thường xuyên... Thực hiện sự giám sát có hiệu lực của Quốc hội, HĐND đối với bộ máy hành pháp, tư pháp, chấm dứt tình trạng vượt dự toán ngân sách quá xa so với dự toán.

Nguyễn Thanh / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh