THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

Tái bản “Sống mòn” và “Đôi mắt” của Nam Cao

Nam Cao (1915 - 1951) là một cây bút hiện thực, một nhà báo kháng chiến nổi bật của văn chương Việt Nam thế kỷ 20. Bên cạnh những tác phẩm viết về người nông dân nghèo (Lão Hạc, Chí Phèo...), Nam Cao có những tiểu thuyết xoay quanh đề tài người trí thức. Được xem là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, tiểu thuyết “Sống mòn” đề cập đến một vấn đề nhức nhối của người trí thức trong thời đại cũ, những văn nghệ sĩ nhiều khao khát, giàu lý tưởng nhưng cuộc sống cứ mòn dần, lụi dần bởi mối lo cơm áo. Nhưng kiếp “sống mòn” của giáo Thứ không chỉ là bi kịch của trí thức cách đây hơn nửa thế kỉ, mà nó còn là sự day dứt của những con người không chấp nhận một cuộc đời bé mọn, vô nghĩa, phải sống “với đầy đủ giá trị của sự sống”.

Trong “Sống mòn”, độc thoại nội tâm xuất hiện khá dày đặc, dai dẳng, kéo dài gây cảm giác bức bối. Qua những độc thoại nội tâm của thầy giáo Thứ, mọi thói do dự, nhỏ nhen, ích kỉ, sĩ diện hão của người trí thức tiểu tư sản nghèo được phơi bày chân thực và sắc nét.

Bìa cuốn “Sống mòn” và “Đôi mắt”.

Có thể nói, trong tiểu thuyết “Sống mòn”, những suy nghĩ, trăn trở về cách sống, mục đích cuộc đời trong niềm xót xa, dằn vặt khôn nguôi đã thể hiện được một cái nhìn thấu suốt của nhà văn về con người, về những uẩn khúc rối ren của cuộc đời. “Sống mòn” không có những xung đột căng thẳng, không đao to búa lớn mà cứ đời thường giản dị, thông qua các tình huống, các cuộc đời nhân vật, đã nêu bật những giằng xé trong nội tâm, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Bằng văn phong điềm đạm, cốt truyện đơn giản, Nam Cao đã phản ánh được những điều tồi tệ, nhỏ nhen, tha hóa của nhân cách con người và lòng khát khao thay đổi cuộc sống nhọc nhằn bằng một cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn. Có thể nói bao trùm lên toàn tác phẩm là một tấm lòng nhân ái, thấm đẫm tình người trong từng trang viết của ông. “Sống mòn” ban đầu có tên "Chết mòn", được tác giả viết xong năm 1944 nhưng tới năm 1956 mới được in, khi đó tác giả đã qua đời. Ấn bản “Sống mòn” lần này in theo bản năm 1977 của Nhà xuất bản Văn học.

 Trong khi đó, tập truyện ngắn “Đôi mắt” là tuyển tập những truyện ngắn, bút kí đặc sắc của Nam Cao sau cách mạng tháng Tám như: “Đôi mắt”, “Ở rừng”, “Trên những con đường Việt Bắc”, “Từ ngược về xuôi”... Sau cách mạng, đặc biệt là từ khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Nam Cao thể hiện rõ quan điểm “sống đã rồi hãy viết”, “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”, ông không chỉ viết văn mà còn làm báo, soạn kịch ngắn tuyên truyền, dịch sách lịch sử, tin tức thời sự... Nam Cao đã để lại nhiều sáng tác đặc sắc, tiêu biểu trong mảng văn xuôi kháng chiến. Nhiều sáng tác thời kỳ này như bút ký “Ở rừng”, “Trên những con đường Việt Bắc”, “Từ ngược về xuôi”... khắc họa hình ảnh người dân miền núi chất phác, đầy niềm tin yêu với cách mạng, sự thay đổi của văn nghệ sĩ khi cả nước bước vào công cuộc mới. Trong số đó, “Đôi mắt” là truyện ngắn thành công và để lại nhiều dấu ấn nhất của Nam Cao. Từ việc xây dựng hình tượng hai nhân vật chính, Hoàng và Độ với hai lối sống, hai cách nhìn nhận về người nông dân, về kháng chiến hoàn toàn trái ngược nhau, Nam Cao đã khái quát một vấn đề mang tính thời đại của văn nghệ sĩ, đó là “cách nhìn cuộc sống”, hòa mình vào thời cuộc.

Cùng với “Chí Phèo” – tuyển tập những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao (gồm các tác phẩm nổi tiếng sáng tác trước cách mạng tháng Tám như “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Một bữa no”, “Tư cách mõ”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”...) và cuốn sách “Nam Cao – Nhà văn của những kiếp sống mòn”, hai ấn phẩm ra mắt lần này sẽ giúp độc giả được thưởng thức các trước tác nổi tiếng của nhà văn qua từng thời kì và hiểu thêm cuộc đời, văn nghiệp của ông. 

Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, quê quán tại Lý Nhân, Hà Nam. Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Nhiều tác phẩm của ông đã được giảng dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học.

PHÙNG HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh