CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:58

Lao động Việt Nam khi hội nhập: Phải biết tận dụng thời cơ

Nhiều ưu đãi hơn cho người lao động 

Năm 2015, Việt Nam xác lập kỷ lục về số lượng các hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán khi đã kết nối được với 55 quốc gia. Việc cơ bản hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN đã đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, khi tham gia vào các sân chơi này, chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi. Đầu tiên là có một không gian thị trường lao động lớn hơn, thị trường lao động không phải chỉ là 90 triệu dân mà con số này cao hơn gấp nhiều lần. Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị tuyển dụng lao động cũng đa dạng, phong phú mang đến những cơ hội việc làm nhiều hơn, nhiều chính sách ưu đãi hơn cho người lao động. Thị trường lao động sẽ trở nên sôi động hơn mang tới cho cả doanh nghiệp và người lao động những cơ hội để phát triển. “Việc hội nhập quốc tế giúp Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, góp phần tạo nhiều việc làm mới trong nước cho người lao động. Đồng thời, lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, ngoại ngữ”. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Thêm vào đó, bước vào sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp trong nước cũng có khả năng và cơ hội thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc, bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế. Hội nhập buộc các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nâng cao năng lực quản lý, phát triển thị trường lao động, trang bị các kiến thức kỹ năng chuyên nghiệp hơn cho người lao động và các chương trình tạo việc làm khác... từ đó năng suất lao động của Việt Nam sẽ tăng lên giúp cho nền kinh tế giảm khoảng cách so với nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý 

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập, hệ thống chính sách về lao động - việc làm phải tiếp tục được đánh giá, bổ sung và sửa đổi đảm bảo ngày càng thông thoáng, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế như các chế độ ưu đãi đối với lao động là người khuyết tật, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động dôi dư... góp phần hỗ trợ người lao động có được việc làm ổn định.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tại buổi tọa đàm “Việc làm cho người lao động trong quá tình hội nhập”.  

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có các biện pháp để hỗ trợ người lao động như đẩy mạnh sự hợp tác, phối hợp liên ngành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học nghề, thông tin thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp, từ đó nâng cao nhận thức của người lao động để họ tích cực tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng như chủ động đến trung tâm dịch vụ việc làm để được hỗ trợ khi có nhu cầu học nghề và việc làm.                        

Trước những cơ hội và thách thức đan xen trong quá trình hội nhập, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khuyến nghị người lao động, người sử dụng lao động cần chủ động tìm hiểu về các quy định của pháp luật lao động nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ để bảo vệ và thực hiện đúng pháp luật. Người lao động cần tận dụng cơ hội của các chính sách về hỗ trợ người thất nghiệp, về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, thông tin thị trường lao động để có việc làm ổn định và thăng tiến trong công việc.

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số; nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng biến đổi khí hậu khiến một số ngành suy giảm mạnh và lợi thế cạnh tranh. Hội nhập, tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, càng góp phần gia tăng sự mất cân đối trong cung - cầu lao động trong nước, đặc biệt là nguồn cung về lao động có kỹ năng, trình độ cao. Trong khi nguồn cung trong nước hạn chế thì dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của nước ngoài sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao trong thị trường lao động của Việt Nam. Trong khi đó khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành, sử dụng ngoại ngữ và ý thức, tác phong làm việc cũng là những thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam.    

THIỀU VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh