THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:12

Tác nghiệp ở Trường Sa

 

Tác nghiệp tại nhà giàn DK1.

 

Sức khoẻ và lòng dũng cảm

Theo quan niệm của những người lính Hải quân đi Trường Sa có hai mùa, đó là mùa đi đoàn và đi Tết. Mùa đi đoàn thường bắt đấu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 6. Gọi là đi đoàn vì các tàu Hải quân sẽ đưa các đoàn đại biểu của các cơ quan dân chính đảng trong cả nước ra thăm Trường Sa. Vào đầu tháng 11 (âm lịch) hàng năm, các tàu Hải quân sẽ mang lương thực, thực phẩm và hàng Tết ra phục vụ quân dân Trường Sa đón xuân mới. Trái ngược với sự yên bình, phẳng lặng của mùa đi đoàn, mùa đi Tết biển thường có sóng, gió cấp 5, cấp 6 có những khi lên đến cấp 9, cấp 10. Theo lời kể của mấy thuỷ thủ trên tàu, có những chuyến cả tàu say sóng gần hết, sóng to đến mức không thể nấu cơm, và nấu cơm thì cũng không có mấy người ăn được...

Để theo tàu đi cấp hàng Tết đòi hỏi phóng viên phải có sức khoẻ tốt. Phóng viên Vĩnh Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam - người có thâm niên đi Trường Sa cấp hàng Tết, chia sẻ về kinh nghiệm đi biển: Trước khi đi biển phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, trong đó sức khoẻ là quan trọng nhất, hạn chế tối đa việc uống rượu, bia. Nếu yếu sóng thì nên ăn ít đi một chút so với bình thường và không nên uống nước có ga, có đường... Khi say sóng nên hạn chế vận động, tốt nhất nên nằm cho đỡ mệt.

 

Phỏng vấn Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính uỷ Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân trên quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Hoàng Triệu

 

Khi đến gần các đảo, tàu sẽ hạ xuồng để đưa cán bộ đoàn công tác cùng các phóng viên vào đảo. Vào mùa đi Tết, sóng to, gió lớn đẩy xuồng chuyển tải dao động lên, xuống, va đập vào tàu mẹ rất nguy hiểm, vì vậy lên xuống xuồng đòi hỏi sự nhanh nhẹn và dũng cảm. Để xuống xuồng, các phóng viên phải lựa chọn thời điểm sóng đẩy xuồng chuyển tải lên cao nhất rồi bước xuống, khi đó đã có các thuỷ thủ đỡ, hỗ trợ phía dưới. Ngược lại, khi lên phải chọn thời điểm xuồng lên cao nhất, nhanh chóng bước lên thang để lên tàu. Nói có vẻ đơn giản như vậy, nhưng giữa bao la biển cả, giữa những con sóng hung dữ cao tới 4, 5 mét, sẵn sàng cuốn tất cả vào lòng biển thì lên xuống xuồng vào đảo đã là một kỳ tích của mỗi phóng viên.

Máy móc quý hơn vàng

Đi Trường Sa tác nghiệp, mỗi phóng viên chuẩn bị máy móc, đồ nghề của riêng mình. Khác với tác nghiệp trên đất liền, tác nghiệp ở đảo, phóng viên phải đối mặt với sóng to, gió lớn, hơi muối mặn và địa hình phức tạp, trơn trượt, sác suất hỏng hóc máy móc, trang bị là rất cao. Phóng viên Duy Minh, Báo Quân đội Nhân dân khi xuồng chuẩn bị vào đảo Sơn Ca vội lôi máy ảnh ra chụp cảnh bộ đội đón đoàn công tác. Một con sóng vỗ mạnh vào mạn tàu nước bắn tung tóe và đó cũng là bức ảnh cuối cùng. May mà phóng viên còn mang theo ống kính dự phòng.

 

Phóng viên Báo LĐ&XH tác nghiệp tại đảo Song Tử Tây.

 

Trước khi xuống xuồng chuyển tải, máy ảnh, máy quay phải bọc trong bao bảo quản chống nước. Có những chuyến xuồng, sóng đánh nước tràn vào ngập lưng xuồng, nhưng nhờ có bao bảo quản mà máy móc được an toàn. Nhiều phóng viên có kinh nghiệm thường sử dụng thêm một chiếc khăn mềm (loại giống như khăn quàng cổ) khi lên xuống đảo tác nghiệp. Khăn vừa dùng để bọc máy cho đỡ hơi mặn, vừa để lau khô khi dính nước và cũng có thể dùng che đầu khi tác nghiệp trời nắng nóng.

Đi Trường Sa, phóng viên luôn  muốn chụp được những bức hình đẹp, ghi được những thước phim sống động nhất, nhưng tác nghiệp trong môi trường biển đảo, ranh giới giữa an toàn và mất an toàn cho máy móc rất mong manh. Phóng viên Thăng Long, Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội sử dụng điện thoại để quay đàn cá heo khi tàu đến gần đảo An Bang. Quá mải mê với đàn cá khiến chiếc điện thoại tuột khỏi tay lúc nào không biết. Điện thoại “bơi” theo đàn cá mang đi khá nhiều tư liệu của chuyến công tác.

Không giống như trong đất liền, máy ảnh, máy quay trục trặc có thể mang đến thợ để sửa, thậm chí mua mới, đi Trường Sa máy móc gặp sự cố đồng nghĩa với thất bại hoàn toàn cho chuyến đi. Chính vì vậy các phóng viên luôn giữ gìn máy móc trong trạng thái tốt nhất có thể. Phóng viên Nguyễn Hoàng, Đài Truyền hình Thái Nguyên bọc máy quay trong 2 lần túi bảo quản và ôm khư khư trong tư thế bảo đảm an toàn đặc biệt. Hoàng cười tươi: Phải cẩn thận tuyệt đối, đi Trường Sa máy móc quý hơn vàng anh ạ.

 

Nhà báo Tạ Hồng Hà, Trưởng Ban TKTS Báo Thái Nguyên sản xuất tin, bài ngay trên tàu. Ảnh: Ngọc Ước

 

Trên những chuyến tàu chở hàng Tết ra Trường Sa thường có 30 đến 40 phóng viên các báo, đài từ Trung ương đến địa phương đi tác nghiệp. Nhiều phóng viên say sóng nằm bẹp một chỗ ngay từ lúc tàu dời bến, vậy mà khi nghe thông báo đến đảo là bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh săm săm mặc áo phao chuẩn bị xuống xuồng. Mỗi phóng viên ra Trường Sa có một tâm trạng khác nhau, có cách tiếp cận và khai thác thông tin khác nhau, nhưng đều háo hức, bồi hồi, xúc động trước những khó khăn, gian khổ và ý chí, nghị lực của quân và dân Trường Sa.

Đến Trường Sa, các phóng viên sẽ được tận mắt thấy sự dữ dội, chứa đựng nhiều hiểm nguy của biển, được gặp gỡ những người lính Hải quân kiên trung đang ngày đêm hiến dâng tuổi trẻ bảo vệ chủ quyền đất nước... Những tác phẩm báo chí chân thực, sống động, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, phản ánh tinh thần sống, chiến đấu, lao động kiên cường, dũng cảm, chứa đựng sự hy sinh thầm lặng của quân và dân trên quần đảo sẽ giúp nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ  hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

HOÀNG TRIỆU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh