CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:44

Văn hiến Kinh kỳ: Cháy vé vẫn nhiều người xếp hàng

Văn hiến Kinh kỳ là một chương trình mang đậm chất sử thi được kể trên một nền sân khấu hiện đại, kết hợp nhiều yếu tố

“Văn hiến Kinh kỳ” được diễn ra trong 2 đêm 28/4 và 30/4,  tại sân khấu nền điện Cần Chánh, Đại Nội Huế. Vở diễn đậm chất sử thi và làm nổi bật chủ đề di sản và lịch sử của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo Ban Tổ chức Festival Huế 2018, “Văn hiến Kinh kỳ” được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu thực hiện, nhằm mục đích tái hiện hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Thuận Hóa xưa một cách đầy đủ và chân thực nhất. Và qua thực tế của 2 đêm diễn, người dân và du khách cũng đã được “sống lại” một thời quá khứ vàng son của đất nước Việt Nam thời kỳ đầu triều Nguyễn. Đó là thời kỳ hưng vịnh thịnh trị của triều nhà Nguyễn khi vua Gia Long thống nhất giang sơn về một cõi, lấy Phú Xuân làm kinh đô, rồi các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị xây dựng, bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế, giáo dục, quốc phòng, bảo vệ hải đảo...

Chương trình nghệ thuật tổng hợp “Văn hiến Kinh Kỳ” được kể trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế.

Vở diễn được  cấu trúc thành 3 chương, mỗi chương là chuỗi những cảnh diễn được đan xen tương ứng với 12 hồi gắn với các chủ đề cụ thể.

Ở chương 1, người xem được ngược về quá khứ, trở về với quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân Việt Nam dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn; quá trình xây dựng thủ phủ kinh đô Phú Xuân.

Ở chương 2 là thời kỳ đất nước thái bình: kể về đất nước với sự ổn định chính trị, kinh tế, cảnh thái bình được mở ra với muôn dân trăm họ được thể hiện qua các hồi Vận mới thái bình, Điềm lành mở lối, Mùa vụ bội thu, Xuân nghênh khánh hỷ. Giang sơn củng cố, đất nước bước vào cảnh thái bình với những vận hội mới.

Ngàn năm văn hiến (chương 3) kết thúc câu chuyện với các hồi: Mở mang quốc học, Bảo vật trường tồn, Linh khí hội tụ, và Ngàn năm văn hiến. Thời kỳ này, triều đình cho xây dựng, mở mang quốc học, tổ chức lại các khoa thi để tìm kiếm nhân tài, phục vụ đất nước. Cũng từ đó, hình thành nên các loại tài liệu phục vụ khoa cử như Châu bản, Mộc bản mà sau này đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, với mong muốn sự trường tồn vĩnh cửu của triều đại, nhà vua Minh Mạng đã cho đúc Cửu Đỉnh, bảo vật của cung đình…

Có thể nói, sau 2 đêm diễn, Chương trình nghệ thuật tổng hợp “Văn hiến Kinh kỳ” đã đạt được những thành công ngoài mong đợi và tạo được sức hút mạnh mẽ đối với công chúng. Điều đó thể hiện ở sự háo hức chờ đợi của khán giả, du khách; việc cháy vé trong 2 đêm diễn.

Tối 30/4, có mặt tại khu vực cổng Ngọ Môn, chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng nghìn lượt người đứng xếp hàng chờ mua vé và đợi Ban Tổ chức mở cửa để được vào bên trong Đại nội. Khi vào đến “Sân bái mạng” khu vực sân khấu của vở diễn “Văn hiến Kinh kỳ” là cảnh người chật như nêm; các bảo vệ và những người hướng dẫn phải liên tục làm việc: “Dạ, bên này hết chỗ, mời anh chị, ông bà, chú, bác qua phía bên kia. Phía bên kia vẫn còn ghế ạ!…”

Bà Lê Thị Phương, một du khách đến từ TP. HCM cho biết: “Gia đình tôi đến Huế từ hôm trước nhưng quyết tâm ở lại để xem cho bằng được chương trình Văn hiến Kinh kỳ rồi mới về”. Nói về chất lượng, bà Phương cho rằng chương trình đã được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, có sự kết hợp của nhiều yếu tố và đã đáp ứng được kỳ vọng của người xem.

Trao đổi với phóng viên báo Dân Sinh, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, tổng lượng vé phát hành ra của Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” cho mỗi  đêm diễn chỉ khoảng 1.200 vé. Tuy nhiên, trên thực tế do nhu cầu của người đến xem lớn hơn dự kiến nên Ban Tổ chức đã phải kê thêm ghế trong cả 2 đêm diễn, trong đó có đêm diễn thứ 2 vào tối 30/4 đã có khoảng 1800 lượt khán giả. Giải thích về việc lượng vé không đáp ứng hết được nhu cầu của công chúng, theo ông Hải là do khu vực sân khấu và nhỏ, chỉ có thể đáp ứng được khoảng đó số lượng người xem cả vé mời lẫn vé bán.

Được biết, đây chính là chương trình được hoạch định sẽ trở thành một sản phẩm du lịch để khai thác thường xuyên sau khi Festival Huế 2018 kết thúc. Thực tế thì sau khi đêm diễn thứ 2 kết thúc, Ban Tổ chức cũng đã phát đi thông báo: Vở diễn “Văn hiến Kinh kỳ” sẽ được xây dựng lại kịch bản và tổ chức diễn phục vụ người xem vào mỗi buổi tối, bắt đầu từ năm 2019.

Một số hình ảnh của Chương trình:

Trước giờ diễn ra Chương trình nghệ thuật tổng hợp "Văn hiến Kinh kỳ", rất đông người xếp hàng chờ vào bên trong Đại nội Huế tại khu vực cổng Ngọ Môn

Người xem đã không phải thất vọng với chất lượng khá tốt của chương trình
Đó là một vở diễn mang tính chất sử thi nhưng được kể trên nền sân khấu hiện đại, kết hợp nhiều yếu tố từ âm thanh, ánh sáng, màn hình Led, pháo hoa và dàn diễn viên chuyên nghiệp

Phần đầu câu chuyện kể về thời kỳ thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi và xây dựng thủ phủ kinh do Phú Xuân của các hoàng đế triều Nguyễn

Công tác bảo vệ chủ quyền hải đảo dưới thời nhà Nguyễn

Quân lính thời nhà Nguyễn thao luyện võ thuật, sử dụng "thần công"

Phần 2 là kể về thời kỳ đất nướ hưng vịnh thịnh trị

Xác định là một đất nước nông nghiệp, triều đình nhà Nguyễn đã tập trung xây dựng đê điều, khuyến khích người dân phát triển sản xuất lúa nước, trồng râu nuôi tằm, dệt vải...

Đám cưới công chúa được xem là sự báo hiệu của điềm lành, đất nước tiếp tục phát triển, thịnh vượng

Phần 3 nói về việc triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng quốc học

Tổ chức lại các khoa thi cử tìm kiếm nhân tài phục triều đinh và đất nước. Đây cũng là cơ sở để những Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn ra đời và trở thành di sản văn hóa thế giới như ngày nay

Triều đình cho đúc Cửu Đỉnh, bảo vật cung đình với tâm niệm cầu mong sự trường tồn vĩnh cửu của triều đại

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh