THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:01

Thừa Thiên - Huế: Vững bước trên con đường mới

 

Tàu du lịch cỡ lớn cập cảng Chân Mây.

Tôi vẫn nhớ khi mình mới vào Huế nhập học hơn 10 năm trước, khu vực phía Đông Nam ngoại ô thành phố Huế còn là những làng quê thuần nông, đường sá chật hẹp, dân cư thưa thớt, nhà cửa lụp xụp. Những phường như An Đông, Xuân Phú (TP Huế), phường Thủy An, Thủy Dương, xã Thủy Vân, Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) hay các xã Phú Mỹ, Phú Thượng, Phú An, Phú Dương (huyện Phú Vang),... cứ  ngỡ như nằm đâu mãi xa trên huyện miền núi A Lưới, Nam Đông chứ không phải đất thành phố hoặc tiếp giáp thành phố Huế. Nay với việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, khu vực này đã thay đổi toàn bộ diện mạo của mình. Từ một vùng đất hoang sơ, nay các khu đô thị An Cựu City, An Vân Dương, Đông Nam Thủy An, An Đông Villas... đã trở thành những thiên đường về kiến trúc xây dựng hiện đại của cả tỉnh. Những đô thị vệ tinh của thành phố Huế như thị xã Hương Thủy, Hương Trà hay một phần huyện Phú Vang cũng đang trên đà hướng tới đô thị hiện đại về cả kiến trúc hạ tầng lẫn cuộc sống của người dân.

Trong ký ức của ông Ngô Văn Chinh, người dân Phú Lộc, trước năm 2005, Khu kinh tế cảng biển Chân Mây - Lăng Cô quê ông, chỉ là vùng đất tiềm năng, với đường bờ biển tuyệt đẹp; có khu vực nước sâu thuận tiện cho việc cập bến của các loại tàu viễn dương cỡ lớn trên thế giới, nhưng thực tế nơi đây vẫn chưa có gì ngoài những đồi cát trắng xóa và những loại cây bụi thấp. Đến khi Thừa Thiên - Huế nhìn ra được tiềm năng to lớn ấy và họ bắt tay vào quy hoạch xây dựng, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào khu Chân Mây - Lăng Cô, nơi đây “trở mình” thức giấc.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Sau khi dự án được phê duyệt, có những thời điểm, khu kinh tế này như một thỏi nam châm cực lớn thu hút hàng loạt nhà đầu tư. Cảng Chân Mây đã trở thành một trong những cảng biển lớn của khu vực miền Trung. Các khu du lịch sinh thái hiện đại với đẳng cấp quốc tế như Laguna Resort, resort Lăng Cô - Hương Giang, khu du lịch nghỉ mát Cố đô Lăng Cô, khu Thanh Tâm và khu du lịch Làng Xanh... đã và đang đại diện cho một tương lai tươi sáng của vùng đất này.

Một góc khu đô thị mới An Cựu City.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), với tổng diện tích 27.100 ha, trong đó diện tích khai thác, phát triển Khu kinh tế khoảng 10.000 ha. Cùng với Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng chính của miền Trung, là cầu nối với thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên - Huế là chiến trường nóng bỏng, là mắt xích trọng yếu trong cuộc đọ sức giữa ta và địch. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu Quyết chiến quyết thắng và Nhà nước tặng danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Truyền thống đó ngày càng được phát huy để xây dựng quê hương Thừa Thiên - Huế ngày càng giàu mạnh.     

 Giai đoạn 2011 - 2015 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá (bình quân đạt trên 9%/năm), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. So với năm 2010, quy mô nền kinh tế của Thừa Thiên - Huế năm 2015 tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách Nhà nước đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 70.000 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,6%/năm.  Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt.

Một điều mà người dân Thừa Thiên Huế có thể tự hào về quê hương mình đó chính là sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh luôn gắn với sự bền vững của môi trường; cơ sở hạ tầng đang từng bước được xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hóa Huế.

Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định, thành phố Festival đặc trưng của cả nước.

Trong giai đoạn 2015 - 2025 Thừa Thiên - Huế sẽ phấn đấu xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng: “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực.

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Văn Cao, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải tập trung thực hiện đồng bộ 14 nhiệm vụ chính. Trong đó, quan trọng hàng đầu là phải khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Phát triển đô thị và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Phát triển kinh tế gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. 

THẢO VI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh