THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:33

Thúc đẩy việc làm và quản lý lao động

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nay, việc thiếu hụt nguồn nhân lực và già hóa dân số đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, hợp tác lao động nhằm thúc đẩy việc làm là xu hướng chung và cũng là mối quan tâm hợp tác của rất nhiều quốc gia đối tác trong đó có Việt Nam, đồng thời với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam cũng là điểm đến của ngày càng nhiều các nhà đầu tư và người lao động nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng hợp tác lao động nhằm thúc đẩy việc làm là xu hướng chung của nhiều quốc gia


Năm 2018, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt gần 143.000 người và là năm thứ 3 liên tiếp đạt con số cao về việc người lao động đi làm viêc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường đông nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập Xê út… Người lao động Việt Nam được đánh giá cao bởi sự tiếp cận nhanh chóng với công việc và môi trường lao động của nước sở tại. Một số ngành nghề mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt gồm: điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, may mặc, xây dựng, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa, xã hội cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo quy trình chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Hiện nay, tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 362 doanh nghiệp. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo nhiều hình thức và mô hình, chẳng hạn mô hình thông qua các nghiệp đoàn đang thực hiện với Nhật Bản khá hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường, qua đó kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý các vấn đề vi phạm.

Bên cạnh dòng lao động ra nước ngoài làm việc, trong những năm gần đây, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Hiện nay, cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động), số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động. Các văn bản pháp luật quy định việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc phối hợp thực hiện trong việc quản lý còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động, xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2019, Việt Nam chủ trương tiếp tục mở rộng thị trường lao động, chủ động lựa chọn thị trường, đặc biệt sẽ thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tổ chức, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với các nước.

Đối với lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm…

Đề cập đến triển vọng hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ông Ivankov Mikhail Yurievich - Phó thủ trưởng Cục Lao động và Việc làm Liên bang Nga cho biết, năm 2018, nhu cầu của Liên bang Nga trong việc huy động lao động đến từ Việt Nam là khoảng 15.000 người (chiếm 10,4% tổng nhu cầu của Liên bang Nga trong việc huy động lao động nước ngoài). Tính đến hết tháng 9/2018, thống kê cho thấy đã có gần 12.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Liên bang Nga. Ông Ivankov Mikhail Yurievich cũng thông tin, trong năm 2019, các ngành nghề chủ yếu huy động lực lượng lao động từ Việt Nam gồm: thợ may: 8641 người (57,5% tổng nhu cầu), vận hành viên thiết bị máy khâu 449 người; công nhân phụ việc 439 người; khuân vác 429 người; vận hành viên tổ chăn nuôi lợn và nông trại cơ giới 350 người. Đại diện phía Liên bang Nga cũng khẳng định sẽ bảo vệ quyền lao động của công dân nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam, các công dân nước ngoài cũng có các quyền lao động như công dân Liên bang Nga…

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh