THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:38

Sự thật vụ “Mẹ Việt Nam anh hùng 91 tuổi dọa cắn lưỡi tự tử”

Khu mộ của bố ông Ba

Tìm về xã Nhân Thịnh, (huyện Lý Nhân, Hà Nam), hỏi đường đến nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lụa, ai ai cũng biết, bởi vì không chỉ là nhà  của Bà mẹ VNAH, mà họ biết là do gia đình có mâu thuẫn, mất đoàn kết đã nhiều năm nay.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều người dân và cán bộ địa phương để tìm hiểu và làm rõ  vấn đề. Có người nói với chúng tôi: " Người ta nói "môi hở thì răng lạnh”, thế nhưng các anh chị em - con của cụ Lụa lại hở một tý thì cãi nhau, đánh nhau, rồi lôi nhau ra xã".

Sự thật vụ  “Mẹ Việt Nam anh hùng 91 tuổi dọa cắn lưỡi nếu cán bộ đến gần” Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lụa

Cụ Nguyễn Thị Lụa sinh được 6 người con, 4 nguời con trai, và 2 người con gái. Người con trai đầu và người con thứ hai là liệt sĩ Trần Văn Bạch và Trần Văn Nghĩa.

Cả hai đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hiện nay, mẹ có ba người con sống cùng địa phương, người con trai tên là Trần Văn Ba, nghề nghiệp làm ruộng, hai con gái tên là Trần Thị Là và Trần Thị The, một người làm giáo viên, một người làm ruộng.

Năm 2012, ông Trần Văn Ba xây dựng thêm phòng vệ sinh cho cụ gần phòng của cụ, để thành hệ thống khép kín, vì cụ đã già ngại gió máy. Một buổi trưa, bà Là đi dạy học về qua nhà thăm mẹ, không hiểu vì lý do gì, anh em lời qua tiếng lại, ông Ba tức mình cầm cái thước nhôm vụt vào lưng của bà Là.

Từ đó quan hệ anh em căng thẳng. 3 tháng sau, cụ Lụa lên UBND xin chia lại đất cho các con gái. Tuy nhiên do thực tế cũng như chính sách đất đặc thù của địa phương, nên chính quyền xã đang cố gắng tìm phương hướng giải quyết.

Khoảng giữa năm 2012, cụ Lụa mang chăn chiếu lên UBND xã nằm ngủ 6 ngày, Một cuộc hòa giải có rất nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương, trong đó có ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân trực tiếp tham gia giải quyết. Sau buổi làm việc đó, cụ Lụa về nhà.

Sự thật vụ  “Mẹ Việt Nam anh hùng 91 tuổi dọa cắn lưỡi nếu cán bộ đến gần”Cán bộ xã với chồng hồ sơ liên quan đến gia đình cụ Lụa.

UBND xã Nhân Thịnh thấy việc chia lại đất liên quan đến chính sách đất ưu tiên, đất ruộng đất bãi vượt quá thẩm quyền giải quyết của xã nên đã hướng dẫn cụ Lụa làm đơn gửi lên cấp trên. Sau đó thấy mọi chuyện im ắng, thấy cụ không có ý kiến gì thêm, chính quyền xã tưởng rằng gia đình đã tự giải quyết nội bộ được với nhau.

Tháng 3/ 2013, cụ Lụa đến nhà bà The (con út của cụ) ở, 2 tháng sau bùng lên tin đồn ông Ba đuổi mẹ ra khỏi nhà không chăm sóc mẹ. UBND xã cùng một số cán bộ UBND huyện đã đến để xác minh sự việc, thấy chìa khóa phòng riêng cụ Lụa đã cầm đi, đoàn công tác cho rằng ông Trần Văn Ba không đuổi cụ Lụa ra khỏi nhà, mà do cụ tự đi.

Đến ngày 27/3/2015, nhận được tin báo ông Trần Văn Ba đang đập phá khu vực gần mộ của bố mình, UBND xã cử 5 cán bộ xuống lập biên bản hiện trường. Cũng từ hôm đó liên tiếp xảy ra những tranh cãi giữa ông Ba và các em gái  khiến cho lực lượng an ninh, cán bộ xã phải tổ chức hòa giải nhiều lần.

Sự thật việc đập phá của ông Ba là do năm 2010, ông Ba bốc mộ cho bố rồi xây một khu mộ đẹp đẽ khang trang trên phần đất chung của ba anh chị em. Đến cuối năm 2014, cụ Nguyễn Thị Lụa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Mới đây, hai người con gái cùng với một người trong họ đến đào bên cạnh mộ của bố mình một cái hố sẵn, gọi là phần mộ... chờ của cụ Lụa. Họ lập một cái bia to ghi dòng chữ: “Khu mộ Cha Mẹ Việt Nam anh hùng”

Sự thật vụ  “Mẹ Việt Nam anh hùng 91 tuổi dọa cắn lưỡi nếu cán bộ đến gần”Ông Trần Hữu Tâm dẫn chúng tôi ra thăm khu mộ của bố ông Ba.

Phần vì thấy các em đào bới khu vực mộ của bố mà không bàn bạc với mình, phần vì thấy mẹ vẫn còn sống mà các em đã đào mộ cho mẹ, ông Ba không kiềm chế được tức giận đã ra đập tấm bia và lấp cái hố mà hai em gái mình đã đào. Hai cô em gái biết được điều đó báo với UBND xã, rồi đưa mẹ lên UBND xã nằm “ăn vạ”

Những người vác tù và hàng tổng

Sau khi sự việc nhà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các báo đăng, đã có ý kiến cho rằng cán bộ xã Nhân Thịnh thờ ơ với sự việc của gia  đình chính sách.

Đến Nhân Thịnh vào ngày chủ nhật, chúng tôi tìm hiểu chủ yếu là ở dân làng và đến nhà của cụ Lụa, tức là nhà ông Ba. Đang là ngày nghỉ nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với ông Trần Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh, và được ông Trần Hữu Tâm mời đến trụ sở UBND xã làm việc.

Vừa gặp chúng tôi, ông Tâm cùng một số cán bộ xã đã đưa ra mấy bài báo phô tô sẵn. Ông Tâm nói: "Nào có phải chúng tôi không quan tâm, đây anh xem - vừa nói anh Tâm vừa rút ra tập hồ sơ dày 137 tờ giấy A4 - Từ hôm xảy ra sự việc đến hôm nay, đây là tất cả các biên bản, tờ trình, lời khai, xoay quanh chuyện của nhà cụ Nguyễn Thị Lụa đây anh ạ, anh em chúng tôi làm suốt ngày suốt đêm, trong số này gần 10 cái biên bản vào lúc sau 22 giờ đêm, chuyện gì cũng phải biên bản, họ chửi nhau một tiếng cũng phải cử bốn, năm cán bộ xuống, họ đi thắp hương cũng đi theo cùng… bây giờ anh em trong xã bối rối, và thật sự chỉ biết cố gắng hết sức".

Lật giở chồng hồ sơ xem lại, chúng tôi thấy những tờ trình chi tiết từ việc ai bán cho nhà ông Ba con gà, ai bán cho ông Ba cân xi măng để xây mộ, tất cả hơn 30 người liên quan.

Ngôi nhà khang trang người con trai xây cho Mẹ

Đến 1 giờ ngày 6/4, cụ Lụa đã đi đến nhà con gái ở xã bên cạnh. Sau khi cho một cán bộ xã đi cùng để đưa cụ đến tận ngõ nhà con gái, các cán bộ UBND xã vẫn tiếp tục theo sát tình hình gia đình cụ Lụa.

Bài báo này chúng tôi chỉ muốn đưa ra một sự thật về cuộc sống hiện tại của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lụa và những sự cố gắng của các cán bộ xã trong việc hòa giải mâu thuẫn trong gia đình vụ để bạn đọc gần xa có thể hiểu đúng về sự việc. Sự thật đâu có chuyện cụ Lụa dọa cắn lưỡi khi cán bộ đến gần. Một sự bịa đặt trắng trợn, một sự vu khống xấu xa.

Lam Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh