THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:38

Lương và phụ cấp của nhà giáo, có tin được những con số dưới đây?

 

Hiện nay nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chế độ, chính sách theo các quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Ngoài lương được hưởng theo quy định trên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn được hưởng thêm 2 (hai) loại phụ cấp đó là: Phụ cấp ưu đãi (với các mức từ 25% đến 70%); phụ cấp thâm niên (được tính gia tăng theo thời gian công tác).

Theo khảo sát, đánh giá gần đây cho thấy, phụ cấp ưu đãi bình quân toàn ngành khoảng 36%, phụ cấp thâm niên toàn ngành khoảng 18%. 

Như vậy, thu nhập bình quân tăng thêm giáo viên toàn ngành khoảng 54% (cao hơn đối với những công chức hành chính chỉ có phụ cấp công vụ 25%, nhưng mức lương và phụ cấp này đang thấp hơn mức lương và phụ cấp của một số ngành như:

Công chức Thanh tra có phụ cấp thâm niên (như giáo viên),  phụ cấp ưu đãi (15%; 20%;25%) và phụ cấp công vụ (25%), Công chức chuyên trách Đảng, Đoàn thể chính trị xã hội có 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp chuyên trách.

Đó là nội dung nằm trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ GD&ĐT. 

 

Lương và phụ cấp của giáo viên đang thấp hơn so với rất nhiều ngành (Ảnh minh họa: VTV).


Báo cáo cũng nêu rõ, tại các tỉnh miền núi, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. 

Giáo viên dạy lớp ghép ở tiểu học được hưởng phụ cấp dạy lớp ghép từ 50% - 75%. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. 

Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể, một số địa phương cũng có chính sách riêng đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như:

Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên,...

Điều đó đã góp đã phần nâng cao đời sống của giáo viên nhưng thực tế lương nhà giáo chưa đúng với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và cũng chưa thực sự đảm bảo được đời sống so với biến động về giá hàng hóa và tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Với chính sách lương như hiện hành khó thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ công vụ, dẫn đến tình trạng chất lượng công việc có phần bị hạn chế. Chưa góp phần thu hút, giữ chân người tài vào ngành sư phạm. 

Thực tế có rất nhiều người tâm huyết với nghề dạy học, thậm chí mong muốn đóng góp công việc chung của đất nước, tuy nhiên, với mức lương như hiện nay khiến họ chưa yên tâm công hiến cho ngành.  

Chưa duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhà giáo. 

Các chế độ chính sách về lương cũng như các khoản thu nhập khác có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng chuyên môn; nếu mức thu nhập đảm bảo đời sống thì sẽ yên tâm công tác, đi sâu vào phát triển chuyên môn, và ngược lại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng giáo dục. 

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương, trong đó có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước về GD&ĐT.

Thực hiện Nghị quyết này, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu đề xuất hệ thống thang bảng lương riêng được xác định theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả của công việc. 

Trong đó lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động, chương trình tri ân, tôn vinh nhà giáo có những cống hiến xuất sắc và tâm huyết với ngành giáo dục và tôn vinh, tri ân các nhà giáo công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhà giáo đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu.

Hơn nữa, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách, chế độ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được đề xuất với Chính phủ ban hành nhằm thu hút học sinh thi vào các trường sư phạm, như:

Đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 911;  miễn học phí đối với sinh viên sư phạm; chế độ phụ cấp đứng lớp đối với nhà giáo; chính sách thâm niên cho nhà giáo đang giảng dạy; ban hành các thông tư về tiêu chuẩn chức danh nhà giáo; chế độ ưu đãi đối với các nhà giáo dạy ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan đề xuất với Chính phủ thực hiện những giải pháp để nâng cao đời sống đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, qua đó thu hút nhân tài và khuyến khích các em học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm.

THÙY LINH / giaoduc.net.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh