CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:22

Sự thật ngôi mộ vua Mông xứ Nậm Khắt

 

Khu rừng thiêng, nơi an nghỉ của vua Mông.

Ngôi mộ chốn rừng thiêng

Đứng trên đỉnh đèo Khau Phạ, nơi giáp ranh giữa huyện Văn Chấn với Mù Cang Chải (Yên Bái), các cao niên người Mông bảo, giang sơn năm xưa của vua là ở đây. Vua chết, để lại nhiều dấu tích dọc theo dải đất Mù Căng. Dưới chân đèo Khau Phạ, nơi giáp ranh với vùng đất Tú Lệ có một quả đồi uốn lượn, ấy là nơi vua ném chiếc yên bạc trong cơn đau vật vã. Bên kia, nơi xã Kim Nọi có một quả đồi hình chiếc nồi đồng úp, đấy là chiếc nồi của vua. Dọc theo quốc lộ từ Mù Cang Chải đi sang Văn Bàn (Lào Cai) trên đỉnh đèo Khau Co còn một dấu giày hằn trên vách đá, đó là dấu giày vua trong cơn đau điên loạn. Và kia, ở trung tâm xã Nậm Khắt là một vùng đất bằng phẳng nằm giữa những ngọn núi là nơi vua đã quằn quại trong phút lâm chung và cũng nơi đó hiện nay còn có một ngôi mộ to, người ta nói rằng đó là mộ của vua Mông.

Ngót nghét chín chục năm sống bên nguồn nước nơi vua Mông an nghỉ, già Thào Giàng Thênh bảo, từ bé già đã được nghe kể về vua. Mộ vua chôn ở dưới chân núi, cách nhà già khoảng năm trăm mét. Ngôi mộ ấy đi vào ký ức, tâm trí của già. Nhớ năm xưa, khi đi săn, già và nhiều người bạn có dừng chân, tựa lưng vào đá ở ngôi mộ mà chợp mắt. Khi đó có tấm bia bằng đá, có chữ viết nguệch ngoạc, già và lũ bạn không biết đọc, lại còn thách nhau nâng lên nhưng chẳng ai nâng được. Giờ khối đá xanh đó chẳng biết đi đâu mất nhưng những tảng đá to xếp thành mộ thì hãy còn nguyên.

Già Thào Giàng Thênh.

Cũng theo già Thênh, ở xã Ngọc Chiến còn có cỗ quan tài bằng đá, rất nặng. Khi vua bị thương, đi đến Ngọc Chiến tưởng rằng vua sẽ trút hơi thở tại đây, nhưng vì bị truy kích nên phải bỏ lại quan tài, di chuyển về Nậm Khắt, đến đây vua mới băng hà và được dân chôn cất theo đúng phong tục.

Theo tục của người Mông, sau khi chết, người ta treo người chết lên khoảng không giữa nhà rồi làm ma, bón cơm cho người chết. Khi chôn, họ khiêng ra cánh rừng thiêng, tháo quan tài rồi chôn xuống, đồng thời lấy đá xếp xung quanh thành vòng tròn... Mộ vua Mông nằm ở bản Cu Lông cũng vậy, song mộ to hơn và rộng hơn những ngôi mộ của người Mông từng thấy.

Đặt tay lên tảng đá mộ vua, ông Thào A Sùng, người dẫn đường đi tìm mộ bảo, nghe kể thì công lao của vua to lắm. Nhưng cái chết của vua thì đầy oan nghiệt. Chuyện rằng: Từ xa xưa, trên ngọn núi Khau Phạ quanh năm sương mù bao phủ có các vua Mông nối tiếp truyền ngôi cho nhau, yêu thương nhân dân, hòa đồng muôn thú. Một ngày nọ, vua vào rừng hái quả ăn, để lấy được quả, vua phải chặt một cây to. Khi mùa mưa về, cây to đó trôi về xuôi. Còn ông vua dưới xuôi, vốn là người hung ác, bắt dân phải nộp ngô, thóc, lợn, trâu, phải săn bắt cống nạp nhiều thú quý, từ đó muông thú trong rừng dần xa lánh con người. Khi thấy cây to từ miền ngược trôi về, vị vua này sợ, sợ rằng người có sức mạnh chặt được cây sẽ tiêu diệt mình. Và để khống chế nỗi sợ, vua dưới xuôi tìm cách đánh ngược lên Khau Phạ.

Cuộc chiến của các ông vua bắt đầu. Qua nhiều trận chiến, vua ác không thể thắng được nên nghĩ cách hòa giải và gả con gái xinh đẹp cho vua Mông làm vợ.

Chuyện tình đau thương với mỹ nhân

Công chúa về làm vợ không chỉ đơn thuần là để cầu hòa, nàng còn phải thực hiện một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà vua cha giao cho.

Ông Nguyễn Văn Trúc, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải, người đã từng gắn bó nhiều năm với đất Nậm Khắt, từng không ít lần vào thăm mộ vua và được cán bộ văn hóa xã, các cao niên trong xã kể về vua Mông cho biết: “Ngôi mộ thì là có, nhưng không hiểu có phải mộ của vua hay không, song dân rất kính trọng ngôi mộ này”.

Già Mùa Và Hử.

Ông Trúc bảo, nối tiếp cuộc hôn nhân của vua Mông có nhiều điểm ly kỳ như câu chuyện cổ tích, bởi theo dân kể thì: Vua Mông mình đồng da sắt, không gì có thể đâm thủng được. Chung sống với nhau được hơn một năm, công chúa sinh cho vua một người con gái. Một hôm nàng bế con hỏi chồng: “Có phải người là con của trời nên người không bao giờ chết? Trên đời này không ai có thể giết được người vì trên thân thể người không có điểm yếu nào?” Vua Mông trả lời: “Nàng hỏi điều đó để làm gì, muốn giết ta à? nhưng thôi nàng đã là vợ ta nên ta không giấu. Điểm yếu của ta nằm ở nách trái”.

Tuy đã nói ra điểm yếu chết người nhưng vua không hề đề phòng trong những giấc ngủ say như thể đã hoàn toàn tin tưởng vợ. Nàng công chúa có linh cảm điều mà vua nói với nàng chỉ là một cái bẫy, vì vậy nàng vờ như không để ý, vẫn một lòng chung thủy tận tụy với chồng.

Ba năm sau, lần này nàng sinh cho vua một người con trai. Vua mừng rỡ, cho mở tiệc ăn mừng suốt bảy ngày bảy đêm. Trong những ngày ấy vua lúc nào cũng ngây ngất trong men rượu nồng và đến đêm thứ bảy con người mình đồng da sắt ấy đã say mềm trong vòng tay công chúa. Trong cơn say vua buột miệng nói ra “Đỉnh đầu ta là nơi yếu nhất”. Ngẫm, khi say người ta luôn nói thật. Nghĩ rồi nàng lẳng lặng cầm chiếc dùi sắt sắc nhọn và cây búa tiến lại gần. Tuy vậy đã ba lần giơ búa lên nhưng nàng vẫn không đóng được chiếc dùi vào đầu vua...

Nàng lại ngẫm nghĩ, nếu không giết được vua thì nàng sẽ có tội với cha. Chỉ có nàng là người duy nhất có cơ hội giết được vua thôi. Và nàng đi đến quyết định. Cũng lúc đó, quân của vua ác bắt đầu truy kích. Trong cơn đau điên dại vua đã đá nàng công chúa văng đi xa tắp, rồi vật vã, quằn quại, quăng ném đồ đạc làm núi rừng nghiêng ngả. Những vùng đất như yên ngựa, nồi đồng, dấu chân, đều được hình thành từ cơn đau vật vã của nhà vua...

Chỉ là truyền thuyết?

Mặc dù ở cách nhau từ cánh rừng này sang cánh rừng khác hàng trăm cây số, song trong dân gian người Mông đều có câu chuyện giống nhau về mối tình vua Mông và nàng công chúa năm xưa. Cũng câu chuyện đó, già Mùa Và Hử, nay đã ngót nghét trăm tuổi, sống ở trên ngọn núi cao nhất xã Chế Cu Nha cho biết thêm: “Chuyện vua Mông già cũng biết. Vua chết thế nào già cũng biết. Song đó chỉ là lời kể chứ kỳ thực, chưa biết vua tên gì, họ hàng ra sao. Già nhiều tuổi nhất ở vùng này, đi khắp nơi trong vùng từ Nghĩa Lộ lên Lai Châu, Hà Giang, già cũng từng đến thăm mộ vua, song có lẽ đó là chuyện kể dân gian của người Mông thôi chứ không có thật đâu”.

Mộ của vua Mông.

Và câu chuyện về vua Mông là người lương thiện, không xúi giục người Mông làm điều ác, không làm trái đường lối của Đảng vẫn được lưu truyền, là bài học cho con cháu học theo. Nhớ lại cái thời cỏ cây muông thú còn nhiều, già Hử bảo, thời chưa biết cách mạng là gì, nghe lời hiệu triệu của một người tự xưng là con cháu vua Mông đang sống ở vùng cao Hà Giang, già cũng sắm dao dựa theo người làng đi đánh đuổi giặc Pháp, rồi đánh cả cán bộ người Kinh nữa. Vua kêu gọi thì bọn mình đứng chứ có biết gì đâu. Sau này mới biết vua Mông cũng vì nhận thức sai. Vua Mông nhận ra cái sai của mình và đi theo Bác Hồ, tôi quay lại cùng bộ đội ta đánh Pháp. Đồng bào được giải phóng, các già được bộ đội giao nhiệm vụ bảo vệ dân bản, giờ con cháu già đứa làm cán bộ, đứa về nhà trồng ngô trỉa lúa cả. 

Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết: Tôi đã từng nghe đến việc có ngôi mộ vua Mông ở Nậm Khắt, và đã cho cán bộ về tìm hiểu. Tôi cho rằng có một nhân vật nào đó được người ta ly kỳ hóa, nhân hóa, thêu dệt thêm. Nếu đây là một câu chuyện có thật, nhân vật có thật thì cũng góp phần phong phú vào vốn văn hóa của người Mông. Và cũng có thể quy hoạch để du khách đến thăm.

HẠNH NGUYÊN - PHƯƠNG NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh