CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:35

Sự ra đời bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”

Năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thuộc Chương trình công tác của Ủy ban quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì để Viện PSD thực hiện biên soạn Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng chống ma túy" gồm 4 cuốn, dành cho 4 đối tượng: Học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Sự ra đời bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” - Ảnh 1.

Đến ngày 23/12/2020, Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng chống ma túy" do viện PSD biên soạn đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng trong việc hướng dẫn cho 4 đối tượng thực hiện công tác phòng chống ma túy tại Quyết định số 4642/QĐ-BGDĐT.

Nói về cơ sở ra đời Bộ tài liệu này, Ths Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng Viện PSD cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó mấu chốt là xuất phát từ thực trạng ma túy xâm nhập và tấn công môi trường học đường (đặc biệt là cấp THCS và THPT) gây nhiều hậu quả nghiêm trọng; trong khi đó công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy chưa thực sự hiệu quả và bền vững như mong muốn; nhận thức của cộng đồng về ma túy còn hạn chế, chưa đầy đủ và chính xác;…

Thứ nhất, thực trạng ma túy xâm nhập và tấn công trường học đáng báo động (đặc biệt là cấp THCS và THPT kể từ năm 2014 trở lại đây) là một trong những cơ sở ra đời Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy".

Sự ra đời bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” - Ảnh 2.

Thời gian gần đây, tại Việt Nam tệ nạn ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường ở khắp các tỉnh thành gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động, không từ thủ đoạn nào và các em học sinh chính là nhóm đối tượng "đích" chúng nhắm tới. Hầu hết, tội phạm ma túy thường nhắm vào các em học sinh thích ăn chơi, đua đòi, thích tụ tập với các phần tử xấu, để rủ rê, lôi kéo.

Theo thống kê của Bộ công an, tính đến cuối năm 2020, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Đối với một số học sinh, khi đến với ma túy đầu tiên chỉ là sự tò mò "thử một lần cho biết" để thể hiện bản thân, sau đó dẫn đến nghiện ma túy lúc nào không hay. Khi các em học sinh đã sa chân vào tệ nạn ma túy thì hệ lụy để lại sẽ vô cùng lớn. Nó không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất, tâm - sinh lý, trí tuệ, nhân cách của các em mà còn làm hạn chế việc tiếp thu kiến thức, phát triển tư duy và khả năng học các kỹ năng sống cần thiết cho học tập; cơ hội hòa nhập, cơ hội việc làm của các em theo đó cũng giảm dần.

Đáng lo ngại hơn là ma túy ngày càng nhiều chủng loại khác nhau, đa dạng về hình dáng, kích thước được trà trộn vào trong đồ ăn, thức uống hàng ngày sẽ khiến các em học sinh dễ trở thành nạn nhân của ma túy nếu không có những kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận diện, phát hiện và tự bảo vệ mình.

Thứ hai, công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy nói chung và tuyên truyền phòng chống ma túy học đường nói riêng nhìn chung chưa hiệu quả và bền vững như mong muốn. Theo đó, việc giáo dục phòng, chống ma túy trong một số nhà trường còn nặng hình thức, thời lượng. Phương pháp tuyên truyền rất ít đổi mới, thiếu sức hấp dẫn, nội dung tuyên truyền không chỉ tập trung vào phổ biến tác hại của ma túy mà thiếu cung cấp những các kỹ năng giúp học sinh phòng ngừa ma tuý.

Sự ra đời bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” - Ảnh 3.

Một điểm nữa đáng lưu ý đó là công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường chưa chú trọng đến nhóm học sinh, sinh viên có nguy cơ cao về lạm dụng ma túy như: học sinh có học lực yếu, học sinh có vấn đề về thể chất và tâm lý, học sinh sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (cha mẹ có tiền sử liên quan đến ma túy, các em học sinh di biến động về địa bàn sinh hoạt…).

Thứ ba, nhận thức của cộng đồng về ma túy còn hạn chế, chưa đầy đủ và chính xác. Trong đó, không ít học sinh THCS, THPT thiếu hẳn các kiến thức về tác hại ma túy, thậm chí có nhận thức sai lệch. Nhiều phụ huynh, giáo viên chưa thực sự nắm rõ cách nhận biết, tác hại và các kỹ năng để phát hiện, ngăn ngừa con em/học sinh của mình sử dụng/nghiện ma túy.

PGS.TS Mai Văn Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) nhận định: "Qua nhiều cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy, trong các trường học phần lớn các em học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy; thậm chí không có khả năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy. Vì vậy việc trang bị cho các em các kỹ năng nhận biết và phòng ngừa ma túy là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay".

Kết quả cuộc khảo sát của Viện PSD với hơn 5.000 cha mẹ học sinh cho thấy, không ít các bậc cha mẹ chưa nhận thức đúng và đầy đủ về ma túy cũng như các kỹ năng để phát hiện và ngăn ngừa con em mình sử dụng, nghiện ma túy. Cụ thể, có rất nhiều cha mẹ không biết đến các loại ma túy trá hình nguy hiểm trong các thực phẩm đồ ăn, nước uống đã và đang xâm nhập, tấn công vào học sinh, sinh viên. Trong khi đó, kết quả khảo sát nhận thức về ma túy trong thầy cô cũng cho thấy, có sự không đồng đều và chưa nắm bắt đầy đủ về nhận diện, tác hại của các loại ma túy nói chung.

Trước những thực trạng đáng lo ngại trên, đội ngũ chuyên gia PSD, mà người đứng đầu là ông Lê Trung Tuấn, đã ấp ủ ý định cần phải xây dựng được hệ thống tài liệu phòng, chống ma túy cho các đối tượng khác nhau: học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên…

Có thể nói, đó là một trong những bước đi thành công ban đầu cho hoạt động phòng, chống ma túy trong trường học, là động lực thôi thúc Viện PSD cần phải sớm cho ra đời bộ tài liệu về phòng, chống ma túy cho học sinh. Các chuyên gia PSD vừa làm việc, vừa cần mẫn tích góp kiến thức, sưu tầm tài liệu trong và ngoài nước, để chuẩn bị cơ sở cho việc biên soạn bộ tài liệu này.

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" do Viện PSD biên soạn gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Đây là bộ sách chính thống đầu tiên về phòng, chống ma túy trong học đường giúp trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Thanh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh