THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:53

Sử dụng chung dữ liệu tuyển sinh nghề: Bớt thủ tục hành chính, lợi cho thí sinh

 

Học sinh đăng ký nhập học tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội

 

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung. Trong đó thí sinh có thể đăng ký dự tuyển trình độ ĐH, CĐ và TC trên một mẫu phiếu thống nhất và chia sẻ dữ liệu thi THPT quốc gia để phục vụ tuyển sinh CĐ, TC Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ CĐ và cho phép các trường TC, CĐ được đào tạo và cấp giấy xác nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho những học sinh học TC có tham gia học văn hóa THPT và đủ điều kiện học liên thông lên CĐ, ĐH. Theo Bộ LĐ-TB&XH, so với các trung tâm GDTX, các trườngTC, CĐ hoàn toàn có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện nếu được giao nhiệm vụ này.

Phân tích một cách cụ thể hơn về cơ sở của đề xuất trên, TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp-Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, việc đề nghị phối hợp nhằm hỗ trợ bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng. Trước đó, từ 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH tiếp nhận công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gồm các trường CĐ,TC (trừ các trường CĐ sư phạm). Bên cạnh việc đăng ký thi ĐH, thí sinh nếu có nhu cầu học CĐ lại phải một bộ hồ sơ riêng. Thủ tục hành chính trên có tính rườm rà, không cần thiết và gây mất thời gian cho thí sinh.

Trong khi đó, các trường CĐ khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký của thí sinh phải thực hiện thủ công việc nhập dữ liệu. Do đó, theo ông Hùng, để giản tiện việc trên, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ GD&ĐT bổ sung thêm nội dung lựa chọn hệ CĐ trên Phiếu đăng ký tuyển sinh. Qua đó giúp thí sinh có thêm lựa chọn và đỡ mất công làm hồ sơ dự thi hệ CĐ riêng. Phiếu đăng ký sẽ được cập nhật vào hệ thống dữ liệu thông tin đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trên cơ sở tập hợp và chia sẽ dữ liệu đăng ký các ngành học như trên, các Bộ có thể nắm được một cách hệ thống thông tin cụ thể, giúp người học có thể thuận tiện trong đăng ký. Đề xuất trên vì lợi ích của người học chứ không vì lợi ích riêng của Bộ nào.

Phía Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển CĐ sẽ chuyển đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau đó chuyển cho các trường CĐ mà thí sinh đăng ký.

Kỳ tuyển sinh năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản đề nghị vấn đề này nhưng chưa được triển khai. Việc Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý hệ thống đào tạo TC, CĐ năm 2017 cũng đồng nghĩa với việc từ thời điểm đó, các trường CĐ không còn nằm trong hệ thống tuyển sinh chung. Vì lẽ đó, 2 năm qua, việc tuyển sinh của nhiều trường CĐ không còn thuận lợi như trước. Đặc biệt, năm 2018 có thí sinh đăng ký cả chục nguyện vọng ĐH, muốn đăng ký CĐ phải làm một bộ hồ sơ riêng, trong khi nếu sử dụng phiếu chung, thí sinh không cần phải mất công như vậy.  Thông tin về đề xuất sử dụng dữ liệu tuyển sinh TC, CĐ chung của Bộ LĐ-TB&XH đang nhận được sự quan tâm của người học. Đại đa số ý kiến cho rằng, nếu được như vậy sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh trong quá trình làm hồ sơ dự tuyển, cũng như đăng ký nguyện vọng tuyển sinh. Nhiều ý kiến đồng tình: Việc kết nối giữa hai Bộ là rất cần thiết và đáng ra phải làm từ lâu. Việc kết nối này không riêng gì ở khâu tuyển sinh, mà còn liên quan cả đến đào tạo liên thông, trước mắt là tư vấn hướng nghiệp để người học tự tin trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Xuân Hùng: Điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với chương trình TC dành cho học sinh tốt nghiệp THCS muốn liên thông CĐ là phải học đủ khối lượng văn hóa THPT. Song toàn bộ phần văn hóa này thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Theo quy định, các trường CĐ không được dạy văn hóa mà việc này do các trung tâm GDTX thực hiện. Việc học nghề một nơi, học văn hóa một nẻo như hiện nay đã góp phần đẩy người học và các trường vào thế khó- trong khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS. Thực chất, chủ trương phân luồng sau THCS đã được đặt ra nhiều năm qua, nhưng trên thực tế chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Phần vì tâm lý người học muốn làm thày hơn làm thợ; đặc biệt còn một bộ phận không nhỏ e dè khi đứng trước nhu cầu muốn học liên thông từ hệ TC nghề lên CĐ, hoặc ĐH mà chặng đường vừa học văn hóa- vừa học nghề cũng không mấy giản đơn.

Về vấn đề náy TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN cho rằng: Việc Bộ LĐ-TB&XH chủ động gửi văn bản đến Bộ GD&ĐT đề nghị phối hợp sử dụng dữ liệu chung để tuyển sinh ĐH, CĐ cũng là giải pháp tháo gỡ, giảm bớt thủ tục hành chính để thực hiện mục tiêu chung. Thí sinh có thể đăng ký dự tuyển trình độ ĐH, CĐ và trung cấp trên một mẫu phiếu thống nhất và chia sẻ dữ liệu thi THPT quốc gia để phục vụ tuyển sinh CĐ, trung cấp. Hiện nay, phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ chỉ có các trường CĐ sư phạm, hoàn toàn không có các trường khối GDNN, trong khi hệ thống trường CĐ khối GDNN hằng năm tuyển hơn 500.000 chỉ tiêu.Nghị quyết 29 nêu rõ: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh GDNN và giáo dục ĐH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kỳ thi này phục vụ cho tuyển sinh ĐH rất rõ ràng (ĐH tham gia tổ chức, đánh giá, lấy kết quả xét tuyển, đăng ký xét tuyển chung với đăng ký dự thi THPT quốc gia), trong khi GDNN hầu như không thấy gì?

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh