Sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid-19
- Dược liệu
- 22:38 - 07/04/2020
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, những người con đất Việt đã không "khoanh tay đứng nhìn", không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, họ đang từng ngày từng giờ san sẻ nỗi lo chung của cả nước.
11 giờ trưa ngày 6/4, bên ngoài quán cà phê 2F, số 54 Lê Văn Lương, hàng trăm suất quà được đóng gói sẵn xếp trên một chiếc bàn rộng, mỗi suất gồm 2 gói mì tôm, 2 xúc xích và 2 quả trứng dành tặng cho những người khó khăn.
Phía trên chiếc bàn căng một chiếc băng rôn với dòng chữ: “Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác, chia sẻ cùng nhau vượt qua đại dịch”. Thi thoảng lại có vài người dừng lại nhận thực phẩm.
Cầm túi quà trên tay, anh Trần Song Hào, quê Hà Tĩnh, bảo vệ quán cà phê nhưng đã nghỉ việc hơn 1 tháng qua chia sẻ: “Trong mùa dịch người ta ngại đi ra đường nên có những người đi qua đây như công nhân ở cùng nhau, thấy phát quà cũng muốn xin thêm về cho những người cùng hoàn cảnh, chia sẻ những tấm lòng hảo tâm của mọi người. Tôi rất xúc động trước việc làm ý nghĩa này của các anh chị, đây là việc làm rất cấp thiết”.
Đây là tấm lòng thảo thơm, là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam chia sẻ trong lúc khó khăn. Hiện Hà Nội có cả chục địa điểm tặng thực phẩm cho người nghèo như vậy.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn trong kinh doanh, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Phan Huy Khôi vẫn bỏ 100 triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm phát cho người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất. Hoạt động của anh Khôi được bạn bè ủng hộ nhiệt tình và cùng đóng góp để anh mở rộng hoạt động ý nghĩa này.
Với những người khuyết tật, không thể đến các điểm nhận lương thực, nhóm hoạt động của anh sẽ tình nguyện mang đến tận nơi và luôn áp dụng nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn.
“Tôi có suy nghĩ trong giai đoạn dịch bệnh đang căng thẳng như vậy, tôi đứng ra làm, cố gắng tổ chức bài bản. Lúc đầu chỉ có 2 vợ chồng thôi nhưng sau có thêm anh em bạn bè nhiệt tình tham gia. Quan điểm của tôi là làm cho đến khi nào hết dịch, cuộc sống mọi người trở lại bình thường. Việc sẻ chia là truyền thống của người Việt mình rồi, việc làm này cũng cho mình cảm giác rất ấm áp”, anh Khôi nói.
Có rất nhiều cách để mọi người thể hiện việc chia sẻ đối với những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Những ngày qua, chị Thành Thu Lương tìm hiểu và biết được bếp ăn bệnh viện Thanh Nhàn rất vất vả khi phải nấu hàng trăm suất ăn phục vụ người bị cách ly. Chỉ trong 2 giờ kêu gọi bạn bè trên facebook, chị Lương đã huy động đủ tiền để mua tủ điện nấu được hàng chục cân gạo một lúc cùng nồi chuyên dụng và các vật dụng nhà bếp khác... để có thể nấu vài trăm suất ăn mỗi ngày tặng bệnh viện Thanh Nhàn.
Chị Thành Thu Lương chia sẻ: “Khi dịch bệnh bùng phát, mọi người đều mong muốn góp một phần nào đó để hỗ trợ, gọi là hỗ trợ thôi chứ tôi nghĩ đó là một phần rất nhỏ so với những thứ các y bác sĩ đang cần. Tôi thấy là chúng tôi phải làm một cái gì đấy góp phần cùng cộng đồng, điều đó cũng là giúp cho mình chứ không phải chỉ giúp cho các y bác sĩ. Sau đại dịch này mọi người biết yêu thương nhau hơn, gắn kết với nhau hơn và cùng chung tay để lo cho cộng đồng hơn trước rất nhiều”.
Đồng hành và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định phong tỏa bệnh viện, chị Bùi Kim Oanh ở quận Ba Đình, Hà Nội cùng các thành viên Nhóm cơm 0 đồng - Hội Thiện nguyện Canh Thân Hà Nội đóng góp tiền mua 3 nghìn chai nước uống, khẩu trang tặng các y bác sĩ. Không chỉ tặng bệnh viện Bạch Mai, chị Oanh tiếp tục các hoạt động khác ủng hộ công tác phòng chống dịch.
Những việc làm thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, từ cụ già đến em nhỏ, từ người có điều kiện hơn đến người vẫn còn khó khăn vẫn nhường cơm, sẻ áo... mà chúng tôi không thể kể hết trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid 19. Chỉ biết rằng, những hành động đó đang ngày càng lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.
“Nhiều người cuộc sống rất khó khăn, nhưng khi nghe được lời kêu gọi chung tay ủng hộ không những vật chất và cả tinh thần nữa cho các y bác sĩ ở tuyến đầu, thì có những bạn dù rất khó khăn vẫn ủng hộ 100.000 - 200.000 đồng. Đấy là điều rất cảm động. Trong chiều nay và ngày mai thì chúng tôi sẽ chuyển khẩu trang y tế, khẩu trang vải, giấy ướt cho bệnh nhân và bác sĩ đang thiếu khẩu trang y tế”, chị Oanh cho hay.
“Đóng góp vì mục tiêu chung khi đất nước cần” không còn là khẩu hiệu mà đã biến thành hành động dễ nhận thấy trong xã hội những ngày qua.