'Các trường sư phạm đang bỏ quên việc dạy đạo đức, kỹ năng ứng xử'
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:32 - 10/05/2018
Ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học trước năm học mới
Thời gian vừa qua nhiều câu chuyện buồn xảy ra ở trường học như, phụ huynh bắt cô giáo quỳ; học sinh đâm thầy giáo bị thương; cô giáo 3 tháng lên lớp không giảng bài; giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau... khiến cho dư luận không khỏi hoang mang.
Trước sự việc đáng tiếc đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học với hy vọng sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm học tới. Các thành viên trong nhóm đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới một số vấn đề về văn hóa ứng xử trong trường học gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.
Ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học trước năm học mới (2018 - 2019).
Trước hết đó là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục. Một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội. Trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… Do đó, một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh.
Ngoài ra, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học. Về phía gia đình một số học sinh, do áp lực cuộc sống dẫn tới việc nhiều phụ huynh phó thác con cái cho nhà trường, khiến mối quan hệ nhà trường - gia đình còn lỏng lẻo. Cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình cũng đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em. Nhóm nghiên cứu cho rằng, giải pháp giáo dục từ gia đình và sự phối hợp quản lý giữa gia đình - nhà trường sẽ là mấu chốt để mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Nghiên cứu từ thực tế cũng cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò “dạy người” còn “khiêm tốn”, ở một số nơi bị xem nhẹ. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là vấn đề mà chương trình giáo dục phổ thông mới cần nghiên cứu và giải quyết.
Nghề giáo, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giáo dục bằng cả tâm hồn và nhân cách
Đánh giá về điều này, GS-TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học là cần thiết. Hiện nay, mỗi trường vẫn có những nội quy riêng, nhưng vẫn cần một quy tắc chung, thống nhất trong hệ thống trường học trên toàn quốc. Ngoài ra, bộ quy tắc cần chỉ rõ những điều gì giáo viên được phép và không được phép làm, hình phạt nào được thực hiện và không được thực hiện với học sinh? Hay cần quán triệt, yêu cầu giáo viên tuyệt đối không dùng bạo lực trong việc giáo dục học sinh. Ngoài ra, cũng cần có những quy định, cơ chế để bảo vệ vị thế, đảm bảo an toàn cho nhà giáo bằng việc siết chặt lại vấn đề an ninh trong trường học.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc ban hành một bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học là việc nên làm.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nay các trường sư phạm đang “bỏ quên” việc dạy đạo đức, kỹ năng ứng xử sư phạm cho những giáo viên tương lai. Chính vì vậy việc ban hành một bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học, sau đó đưa vào giảng dạy tại các trường sư phạm là việc nên làm. “Đặc trưng của nghề giáo là không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giáo dục bằng cả tâm hồn, bằng cả nhân cách. Chính nhân cách của thầy là một công cụ để dạy học. Vì thế, đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng thương lượng, đàm phán, nói chuyện với học trò. Để học trò tâm phục khẩu phục, trước tiên người thầy phải gương mẫu, phải có văn hóa ứng xử đúng mực, chứ không thể tùy tiện. Chỉ tiếc là nhiều giáo viên của chúng ta vẫn giữ lối giáo dục theo kiểu quyền uy, coi mình là nhất, mình là đúng. Người thầy hiện nay chưa mang lại niềm vui, giá trị hạnh phúc cho học trò, bởi vẫn duy trì lối giáo dục theo kiểu áp đặt”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Còn TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đối với phụ huynh, ở nhà cũng cần nắm được những giá trị mà giáo viên, nhà trường đang hướng tới để củng cố cho con, nếu thống nhất được như thế mới thực sự đi vào hiệu quả. Theo TS Thành Nam, trong giai đoạn đầu cũng cần phải có những hành động cụ thể, hành vi cụ thể để qua đó có những chế tài, hoặc những hình thức kiểm tra. “Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả những bộ quy tắc ứng xử đều dựa trên những quy tắc ứng xử nền tảng và từ đấy mới quy được ra trách nhiệm của học sinh của giáo viên và của các bên liên quan”, TS Thành Nam nhấn mạnh.