THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:40

SOS tội phạm vị thành niên

Đó không phải là những vụ đầu tiên học sinh bị giết hại bởi những người bạn đồng môn. Tình trạng học sinh "giải quyết mâu thuẫn" bằng những vụ đánh nhau có sử dụng hung khí từng xảy ra rất nhiều lần, ở nhiều địa phương khác nhau. Số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Đáng lo ngại, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm 17%).

SOS tội phạm vị thành niên - Ảnh 1.

SOS tội phạm vị thành niên (Ảnh minh họa)

Qua những vụ án cho thấy, những đối tượng xuống tay với nạn nhân là rất tàn khốc và hung hãn. Đó không đơn thuần chỉ là những vụ xô xát, đánh nhau theo kiểu học trò như thế hệ xưa kia - nhiều khi đánh nhau xong, hôm sau gặp lại vẫn có thể khoác vai thân mật. Đó thực sự là những vụ "thanh toán" đầy hận thù, có khi là đẫm máu.

Người trẻ thời nay có điều kiện tiếp cận với quá nhiều văn hóa phẩm bạo lực, nên nếu không có một "màng lọc" đủ tốt trong trái tim và khối óc thì rất dễ bị tiêm nhiễm thói quen hành xử bạo lực, theo triết lý "chân lý thuộc về kẻ mạnh". Tự thân người trẻ rất khó để thiết lập "màng lọc" ấy, mà cần phải được giáo dục, ngay từ khi còn ở lứa tuổi rất nhỏ. Gia đình và nhà trường chính là hai địa chỉ được trao gửi trọng trách ấy. Vai trò của gia đình là rất rõ ràng, hành vi và lối hành xử của người lớn sẽ là tấm gương để trẻ noi theo. Nhưng để thiết lập nên những nền tảng vững chắc - từ lý thuyết tới thực tiễn đòi hỏi vai trò của nhà trường.

Không quá khó để nhận thấy rằng hầu hết các trường phổ thông hiện chỉ lo việc "nhồi" kiến thức mà xao nhãng việc dạy cho trẻ về đạo đức, lòng nhân ái cũng như ý thức tôn trọng pháp luật. Ở bậc tiểu học, môn Đạo đức luôn bị coi là môn phụ, không được giáo viên quan tâm đầu tư, chỉ dạy học cho có với những mớ lý thuyết xa rời thực tế. Trong khi đó, các hành vi của trẻ hầu như không được giáo viên theo dõi sát sao để có thể uốn nắn kịp thời đối với những biểu hiện lệch lạc. Lên bậc THCS và THPT, môn Giáo dục công dân với nội dung chương trình quá dàn trải, không bám sát các vấn đề thời cuộc, bản thân giáo viên cũng coi là môn phụ với số tiết ít ỏi; Học sinh học theo kiểu đối phó, nên tác dụng thực tế rất hạn chế.

Thật ra, việc dạy đạo đức làm người, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật không chỉ gói gọn trong mấy môn Đạo đức hay Giáo dục công dân, mà còn có trong các môn khoa học xã hội - nhân văn, như: Văn học, Lịch sử... Nhưng rõ ràng với chương trình quá nặng về kiến thức, điều này đang bị "bỏ quên".

Vấn nạn "bạo lực học đường" bị dư luận lên tiếng từ nhiều năm nay, nhưng dường như ngành Giáo dục vẫn chưa có giải pháp xử lý thích hợp. Một khi học đường trở thành môi trường để bạo lực phát tác, thì nhiều học sinh hành xử bạo lực cũng là điều khó tránh khỏi.

Nhân cách được hình thành bởi một quá trình lâu dài, với rất nhiều tác động từ nhiều phía. Trong quá trình đó, việc tiếp cận và tiếp thu cái xấu thường dễ dàng hơn so với cái tốt - đó là quy luật tự nhiên. Vì thế, những bài học để giúp trẻ hình thành nhân cách, trở thành con người tử tế đòi hỏi phải được đầu tư kỹ lưỡng, thực hiện thường xuyên trong mọi bối cảnh.

Hạn chế, tiến tới dẹp bỏ nạn bạo lực học đường là "đơn đặt hàng" cho ngành Giáo dục - đó là vấn đề bức thiết, dẫu khó cũng phải làm cho bằng được.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh