THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:24

SOS tai nạn thương tích trong trường học

 

Nỗi bất an trong lớp học

Vào ngày 17/10, nam sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) Nguyễn Thanh Long đang đứng xếp hàng chờ đi thang máy tại trường thì bị cục bê tông từ trên cao rơi trúng đầu tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn thương tâm đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh có con đang theo học tại các ngôi trường chất lượng xây dựng xuống cấp.

Cũng tình trạng trần nhà rơi tự do tại trường Tiểu học Thạnh Quới A, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long  khiến nhiều học sinh bị thương. Chiều ngày 17/10,  90 học sinh của lớp 3 và 4 đang ngồi học thì bị trần của phòng học cùng bóng đèn và đường dây điện đổ ập xuống đầu. Sự việc khiến 9 em bị thương phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ( trong đó một trường hợp bị thương nặng, người nhà chuyển qua bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị).

Còn tại trường Tiểu học Tam Quan 1 (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), vào ngày 12/10, cháu P.K.H (là học sinh lớp 1 tại trường) đang đi từ lớp ra cổng để mẹ đón về thì bị cánh cổng sắt đổ ập xuống và đè lên người. Vụ việc khiến cháu bị gãy xương quai xanh.  

Sự việc kinh hoàng hơn đã xảy ra tại trường mầm non Krông Ana, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Đó là vào ngày 6/2, sau khi ăn trưa trong khu bán trú, bé Nguyễn Văn An (5 tuổi) đi vệ sinh tại trường. Trong lúc đang vệ sinh, bất ngờ nền nhà và bồn cầu sụt lún và sập xuống, kéo bé An rơi xuống hố sâu, bị đá, gạch đè lên người gây nứt sọ và gãy xương chậu.

Không chỉ những cơ sở vật chất được xây dựng, lắp đặt và bố trí tại trường mới gây tai nạn cho học sinh, những loại cây cối, đặc biệt là những cây có kích thước lớn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. Đơn cử, ngày 31/3, một cây xà cừ cổ thụ có đường kính lớn trong sân Trường THPT Chu Văn An (đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bất ngờ bị đổ khiến 4 học sinh lớp 10 bị thương, trong đó có 1 học sinh nữ bị gãy cả tay và chân.

Những vụ việc này xảy ra, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, còn gây lo lắng cho phụ huynh về vấn đề con em mình dễ gặp tai nạn trong thời gian ở trường. Vì vậy, trước hàng loạt vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất an khi con đến trường. Anh Nguyễn Kim Vinh (ở Đống Đa, Hà Nội) có con học tiểu học lo lắng: “Các cháu còn nhỏ hiếu động lắm, giờ ra chơi là chạy nhảy, leo trèo không may là tai nạn dễ xảy ra. Lan can hành lang lớp học được xây từ trước, chỉ ngang bằng với ngực các cháu, chỉ cần trèo lên hoặc đu người lên cũng có nguy cơ bị ngã. Nhiều lần tôi kiến nghị lên nhà trường nhưng chưa thấy làm. Chưa kể, giờ tan học tụi nhỏ cũng nô đùa ở sân trường có nhiều xe máy của phụ huynh đi vào đón con. Ngoài thường xuyên dặn dò, gia đình tôi còn bố trí người đón sớm để cháu không lưu lại sân trường lâu”.

 

 

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông Hà Nội cho biết, ngày 13/10 vừa qua, một mảng vữa của Trường THPT Trần Nhân Tông rơi xuống trong lớp ngay bục giảng, chỗ giáo viên hay đứng giảng bài. “May mắn làm sao, mảng tường rơi đúng ngày trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức nên hôm đó giáo viên không đứng lớp, nếu không tai nạn đã xảy ra”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, năm học 2016-2017 trường đã đề xuất Sở GD&ĐT, chính quyền xin kinh phí xây lại một số lớp học và nhà hiệu bộ vì có tòa nhà được xây cách đây 50-60 năm đã xuống cấp, thấm dột nhiều nơi. “Đơn đề xuất đã được duyệt nhưng trường hiện vẫn đang chờ kinh phí”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Hòa, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, theo phân cấp quản lý, Sở GD&ĐT quản lý cơ sở vật chất hệ thống trường THPT và các trường trực thuộc sở. Riêng các trường THCS, tiểu học, mầm non thuộc quản lý của quận, huyện. Vì vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT giao cho các hiệu trưởng có trách nhiệm thẩm định, nếu thấy cơ sở vật chất xuống cấp, có nguy cơ hỏng hóc phải báo cáo lên sở, xin kinh phí tu bổ. Còn các công trình trường học xây mới, sau khi hoàn thành, Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiệm thu rồi mới bàn giao cho các trường sử dụng.

Ông Hòa cho biết, riêng trong khối THPT và các trường trực thuộc sở hiện cũng có nhiều trường đã xuống cấp. Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đề xuất xin kinh phí sửa chữa, nâng cấp 36 trường nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Các hạng mục cần được nâng cấp hiện nay như: mái, cửa bục mọt, tường nứt thấm, nhà vệ sinh xuống cấp… Năm học 2017-2018, đơn vị tiếp tục đề xuất xin kinh phí sửa chữa cho 40 trường vẫn đang chờ.

Theo một chuyên gia tâm lý giáo dục, lứa tuổi học sinh thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa đủ kiến thức, kỹ năng để phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Các tai nạn học sinh thường gặp phải là: bị bỏng, đuối nước, điện giật, bị ngã, ngộ độc…Vì vậy, ngoài việc dạy cho trẻ kiến thức, kỹ năng phòng tránh thì việc đầu tiên là các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất không có nguy cơ gây ra tai nạn. “Có nhiều nơi trần ngấm dột, cửa bung bục, dây điện thòng lòng vẫn không được sửa chữa”, vị này nói.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều địa phương đã ban hành các quy định về nâng cao các biện pháp an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh tại trường học, khu vực cổng trường. Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… cũng đã quy định rõ hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn cho học sinh, trẻ mầm non. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, những tai nạn xảy ra trong trường học chỉ là hi hữu, tuy nhiên vẫn phải xem xét lại trách nhiệm của nhà trường trong việc bảo vệ học sinh. Họ cho rằng dù tai nạn do nguyên nhân thế nào thì nhà trường vẫn phải có trách nhiệm.

CHÂU ANH -DUNG HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh