THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:04

Sống trong sợ hãi tại các chung cư chờ sập

Xuống cấp nghiêm trọng

Hiện Hà Nội có rất nhiều khu tập thể được xây dựng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cá biệt có một số khu tập thể còn được xây dựng từ những năm 50, 60. Hiện nay các khu tập thể đang xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn cho người dân sống trong đó. Điển hình phải kể đến những khu tập thể như: Nghĩa Tân, Hồng Mai, Văn Chương, Kim Liên, khu tập thể 8/3, khu Nam Đồng... Các khu tập thể này đều trong tình trạng ngập lụt vào những ngày mưa, mạng lưới dây điện, viễn thông nhằng nhịt, bề mặt tường rêu phong, bong tróc nham nhở...

Được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, khu tập thể C5 Quỳnh Mai, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã và đang xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân. Trải qua hơn 50 năm kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống cơ sở vật chất của hơn 80 hộ dân gần như không được chỉnh trang, tu sửa. 

Ban đầu, tập thể được xây dựng để phân cho cán bộ, công nhân hai cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là: Nhà máy cơ khí công trình và Công ty Vật tư 401. Với diện tích mỗi căn hộ khoảng 19 - 20 m2, có những hộ gia đình phải sinh hoạt với 10 nhân khẩu. "Không bếp. Không vệ sinh khép kín. Đun nấu ngoài hè" ông Trần Duy Hùng, 67 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố số 9 khu C5 tập thể Quỳnh Mai, cho hay.

Chị Loan sống ở tầng trệt khu C5 chia sẻ: Mỗi khi trời mưa lớn chị và gia đình phải chịu cảnh nước ngập vào nhà. Căn nhà chị đang ở cũng phải cải tạo nhiều lần nếu không nguy cơ sụt lún rất cao.

Nhà B1 khu tập thể Văn Chương (Hà Nội).

Khu tập thể Văn Chương, ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, cũng ở trong tình trạng xuống cấp và mất an toàn. Nhà cũ kĩ, chật chội, mỗi căn hộ ở đây chưa đầy 25m2 cho một gia đình. Được xây dựng từ lâu, khu tập thể này đã bị bong tróc sơn, tường xây vôi và cát nhiều nên bụi bặm và có thể sập bất cứ lúc nào. Đường lên khu tập thể giống như đi vào hang tối, nền nhà bẩn và nhầy nhụa đất cát rơi từ trên trần. Sống tại khu tập thể Văn Chương, chị Hoa (28 tuổi) chia sẻ: “Nhà chật chội thì chớ lại hay mất nước, lan can cầu thang đã quá cũ và tối, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ”. Mặt khác, ở tại khu tập thể phải sử dụng nhà vệ sinh chung gây bất tiện cho các hộ gia đình.

14 năm sống tại phòng 414, chung cư B1, khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa), gia đình bà Khổng Thị Hồng Lê đang phải chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của căn nhà này. Không chỉ nhà bà Lê, các hộ khác trong khu tập thể cũng phải chịu chung cảnh nền nhà sụt lún, tường nứt nẻ, vôi bong tróc, ẩm mốc và thường bị dột vào những ngày mưa lớn.

Chỉ vào chỗ xi măng mới đắp và những mảng sơn bong tróc trên tường, bà Lê cho biết:“Căn nhà này không biết đã sơn đi sơn lại bao nhiêu lần mà chẳng ăn thua gì. Để lôm nhôm thì bẩn không chịu được, nhưng cứ sơn vào thì chỉ đẹp được dăm bữa nửa tháng, rồi đâu lại vào đấy. Tường nhà lúc nào cũng trong tình trạng bị ẩm mốc thì đắp mấy cũng bong ra thôi”. Chưa hết, trần và nền khu vực phía nhà tắm cũng phải vá lên vá xuống mà chưa ổn. Nước từ tầng trên rỉ xuống mà tầng dưới thì lên kêu. Khổ lắm, ở giữa nhiều lúc chết chẹt mà không dám đục nữa vì sợ vỡ hẳn ra”.

Sự xuống cấp nghiêm trọng của một số chung cư cũ ở Hà Nội.

 

Mới có 1% chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại

Hiện Hà Nội có 1.155 nhà chung cư cũ với 980 chung cư được xây dựng trước năm 1990 với diện tích lên tới 1,7 triệu m2 cần được cải tạo xây dựng lại. Tuy nhiên, sau 10 năm chỉ mới cải tạo, xây dựng lại được 14 chung cư cũ, tức khoảng... 1%. Phần lớn các dự án cải tạo chung cư cũ mới dừng ở nghiên cứu xã hội học, lập quy hoạch hoặc kiểm định chất lượng. Nguyên nhân là hầu hết chung cư cũ nằm trong khu vực "lõi" đô thị hạn chế phát triển, nên vừa phải giảm mật độ dân số, vừa bảo đảm cân đối tài chính, cải thiện chỗ ở cho người dân trong khu vực là không khả thi. Trong quá trình sử dụng, hầu hết chung cư cũ có tình trạng cơi nới tăng diện tích sử dụng; lấn chiếm đất công xây dựng công trình. Số hộ sinh sống tăng gấp nhiều lần thiết kế nên việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư rất phức tạp. Về pháp lý có sự đan xen sở hữu giữa Nhà nước, cá nhân; phần lớn căn hộ đã cấp "sổ đỏ" nhưng không có thời hạn nên chính sách di dời khó khăn.

Bộ Xây dựng cho biết, giải pháp chính để gỡ khó cho cải tạo chung cư cũ là bố trí ngân sách lập quy hoạch khu nhà ở mới phục vụ di chuyển các hộ dân và xây dựng lại trong khu vực nội thành trong trường hợp doanh nghiệp không tham gia do không thể cân đối tài chính. Cùng với đó, khuyến khích chủ đầu tư và các chủ sở hữu chung cư thỏa thuận thực hiện dự án thông qua hợp tác kinh doanh, chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất. Thực hiện ưu đãi mua nhà ở xã hội trong trường hợp không tái định cư tại chỗ, áp dụng hệ số diện tích cao hơn trong trường hợp tái định cư ngoài 4 quận nội thành.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị nghiên cứu địa điểm có thể xây dựng các khu nhà ở mới để di chuyển các hộ gia đình sinh sống tại các khu nhà cũ hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn ở trung tâm đô thị. Một số quy định sẽ được đề xuất, chẳng hạn chung cư cũ hư hỏng, không bảo đảm an toàn, nếu không phù hợp quy hoạch thì phải bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền phá dỡ xây dựng lại công trình khác. Trường hợp xây dựng lại còn bao gồm cả chung cư cũ có điều kiện hạ tầng, môi trường sống không bảo đảm.

 

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết: Bộ Xây dựng đang chuẩn bị dự thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo ông Ninh, sau khi nghị định ban hành, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được tháo nút thắt cơ chế. Bởi lẽ, theo nghị định, UBND tỉnh, thành được phép quyết định độ cao công trình xây dựng nhà cao tầng.Ông Hoàng Tú, Trưởng Ban 61 (Sở Xây dựng Hà Nội), khẳng định, việc rà soát, kiểm tra, kiểm định chung cư cũ trên địa bàn TP đã và đang tiến hành nhưng phải làm từng bước. Theo ông Tú, những chung cư nào qua kiểm định nằm trong mức độ đặc biệt nguy hiểm thì chắc chắn TP sẽ có biện pháp mạnh để di dời người dân và tháo dỡ, xây dựng lại.

Tuy vậy, một cán bộ ngành xây dựng cho rằng ngoài lý do bồi thường thấp dẫn đến việc người dân chậm di dời để cải tạo chung cư hay thay đổi dự án, vướng mắc lớn nhất là do chồng chéo quy định. Cụ thể, tại Hà Nội, năm 2007, Chính phủ cho phép TP Hà Nội điều chỉnh chiều cao chung cư để thực hiện việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Song, đến năm 2010, Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung TP Hà Nội, quy định hạn chế chiều cao xây dựng nhà cao tầng khu vực nội đô. Vì lý do này, doanh nghiệp không muốn tham gia, công tác xã hội hóa cải tạo chung cư cũ gần như tê liệt. Chương trình “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị” của TP Hà Nội dù triển khai đã lâu nhưng đến nay cũng chỉ mới chỉnh trang được một số ít chung cư.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh