THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:57

Cư dân khu tập thể H36 (Tây Hồ, Hà Nội): Sống trong cảnh… chờ sập

Sống trong sợ hãi

Khu tập thể H36, ở phường Xuân La (quận Tây Hồ) được Cty XLHC xây dựng từ năm 1983 làm nơi ở cho cán bộ, công nhân viên. Do nhà được xây chủ yếu bằng gạch và vôi vữa, sau 32 năm sử dụng, khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của 60 hộ gia đình, với gần 400 người sinh sống. Năm 2004, Cty XLHC được UBND TP. Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án “Khu nhà tái định cư, giải phóng mặt bằng và kinh doanh” trên diện tích đất thuộc Xí nghiệp H36. Quá trình thực hiện chủ đầu tư chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý, không thỏa thuận được với dân về phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến dự án chậm triển khai đến nay.

Ngày 30/3/2015, Thanh tra  Sở TN&MT Hà Nội đã có Kết luận thanh tra số 374/KL-STNMT- ĐTTr, chỉ rõ việc Cty XLHC, chủ đầu tư dự án chưa quan tâm đến dự án, thiếu chủ động dẫn đến dự án bị chậm tiến độ nhiều năm. Tiếp sau đó, ngày 29/7/2015, Sở Xây dựng Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Tây Hồ về khu tập thể H36, làm rõ trách nhiệm của Cty XLHC trong việc đảm bảo an toàn cho cư dân trong khi triển khai dự án. Sau đó, ngày 25/8/2015, Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 7677/SXD-PTN, xác định: Cty XLHC phải chịu trách nhiệm thẩm định khu tập thể cũ, lên phương án di dời cư dân, đảm bảo an toàn trong thời gian triển khai dự án (đã chậm nhiều năm)... Cty phải có trách nhiệm phối hợp với UBND quận Tây Hồ xây dựng phương án và tổ chức di chuyển ngay các hộ gia đình đến nơi an toàn.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP. Hà Nội thu hồi lại dự án “Khu nhà tái định cư, giải phóng mặt bằng và kinh doanh” nếu Cty XLHC tiếp tục không triển khai dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ hệ thống trần, cột, tường ngăn các căn hộ của khu tập thể đều bị nghiêng, nứt, vỡ... Các hộ dân biết, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự án được triển khai trở lại.

Chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án?

Nhận mình là chủ đầu tư duy nhất và không ủy quyền cho đơn vị nào khác thực hiện dự án “Khu nhà tái định cư, giải phóng mặt bằng và kinh doanh” nhưng khi các đối tác đề nghị thanh toán một số hạng mục công trình đã triển trong dự án trên Cty XLHC (nay là Cty TNHH MTV XLHC - CCIC) có dấu hiệu đùn đẩy và trốn tránh nhiệm khi đề nghị đối tác làm việc Xí nghiệp Xây lắp H36 (nay là Cty CP Xây lắp H36 - XLH36), một đơn vị thành viên của CCIC. Cụ thể,  ngày 10/11/2005, Cty XLH36 ký hợp đồng kinh tế về việc thi công xây dựng công trình đơn nguyên I nhà chung cư C2 thuộc dự án “Khu nhà ở tái định cư và kinh doanh” với Cty Xây lắp 5. Trong hợp đồng có ghi rõ căn cứ để XNXL H36 ký hợp đồng với Cty XL5 là do Cty XLHC uỷ quyền theo giấy uỷ quyền số 584/UQ-ĐTPT-XLHC ngày 22/8/2005.

Hiện trạng khu nhà H36.

Sau khi hợp đồng được ký kết, Cty XL5 đã tiến hành đầu tư để xây dựng một số hạng mục công trình. Nhưng triển khai được một thời gian thì do các hộ dân phản ứng nên phía chủ đầu tư và chính quyền địa phương yêu cầu dừng thi công từ đó cho tới nay. Ngày 23/10/2014, Cty XL5 đã có văn bản số 212/XL5; ngày 23/10/2014 có công văn số 77/ĐT-XL5 ngày 09/7/2015 về việc yêu cầu thanh toán giá trị đầu tư và xây lắp thời điểm đầu gửi cho CCIC.

Sau khi nhận được hai công văn trên của Cty XL5, CCIC đã đề nghị Cty XL5 làm việc với XLH36-là chủ thể của các hợp đồng với Cty XL5 để giải quyết các vấn đề liên quan Phía XLH36, cho rằng: Do được chuyển đổi từ Xí nghiệp Xây lắp H36 thành Cty CP XLH36 do Tổng Cty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 36/VINAINCON-HĐQT ngày 14/3/2013. Căn cứ vào biên bản bàn giao chi nhánh H36 thuộc CCIC sang Cty CP XLH 36 ngày 05/5/2015 thì CCIC phải bàn giao dự án trên cho Cty CP XLH36. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà CCIC lại chưa bàn giao dự án lại cho Cty CP XLH36? “Do đó, toàn bộ kinh phí do Cty XL5 ứng trước để triển khai dự án thời điểm đó CCIC phải có trách nhiệm giải quyết và thanh toán giá trị thi công”. Ngày 30/7/2015, Cty XL5 tiếp tục có văn bản yêu cầu CCIC thanh toán số tiền hơn 2 tỷ đồng trước ngày 15/8/2015, đến nay vẫn không có hồi âm.

Được biết, để triển khai thi công dự án trên, CCIC cũng đã hợp tác góp vốn cùng Cty cổ phần Đầu tư bất động sản Á Châu (Cty Á Châu). Theo hợp đồng thì Cty Á Châu góp vốn 49% bằng việc đầu tư lo tất cả các thủ tục điều chỉnh qui mô dự án cho đến khi có giấy phép. Cty XLHC góp 51% bằng công tôn tạo đất. Sau đó, khi đầu tư xây dựng sẽ góp bằng tiền theo tỉ lệ trên. Ngay sau khi ký hợp đồng Cty Á Châu đã nộp ngay 10 tỉ đồng đặt cọc không tính lãi. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc tiền với CCIC, do nhiều lý do khác nhau khiến dự án chưa thể triển khai. Đến khi  Cty Á Châu muốn thanh lý hợp đồng hợp tác vì dự án không thể triển khai, thì CCIC lại cho rằng Cty Á Châu “Đơn phương chấm dứt hợp đồng” và giữ toàn bộ 10 tỷ đồng đặt của Cty này.

Phải chăng đây là những vướng mắc, khó khăn chính để dự án “Khu nhà tái định cư, giải phóng mặt bằng và kinh doanh” bị chậm trong nhiều năm qua. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu CCIC có đủ năng lực để tiếp tục triển khai dự án trên?

HÀ HUY LINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh