THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:14

Những thiếu phụ không có thời thiếu nữ !

 

Ba con không một “kiếp chồng”!

Cũng như người Dao đeo tiền ở các nơi khác, người Dao đeo tiền, ở Sinh Tàn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng có tục ngủ thăm (có nơi gọi là ngủ ngửi). Thế nhưng tại bản Sinh Tàn, tập tục này đang ngân lên những tiếng cảnh báo. Tôi tìm vào Sinh Tàn khi những cây đào rừng còn đang lả tả rụng cánh. Nhà Bàn Thị T. đang lúc ban trưa mà im lặng đến đáng ngờ. Chiếc bếp củi leo lét, trong thứ tro nóng là những củ sắn còi đang được vùi, chờ chín để làm bữa trưa cho bốn mẹ con. Ba đứa bé nhà T. đều đang trứng gà trứng vịt cả, và chúng đều là con của những người đàn ông khác nhau. T. cũng không biết những người đàn ông ấy ở đâu.

Bàn Thị T. cùng đứa con không bố trong căn nhà tuềnh toàng tại bản Sinh Tàn. 

Nghe T. hồn nhiên kể mà tôi cảm thấy thương người mẹ trẻ này quá. T. kể cho tôi nghe mối tình đầu, khoảng hơn 10 năm về trước, trái tim thiếu nữ của cô gái bản nghèo này rung động trong một lần đi chơi và gặp một người đàn ông. Thế rồi cả tin, T. cho người đàn ông ấy địa chỉ nhà mình. Rồi hẹn hò và trao gửi thân phận. Trái tim thiếu nữ của T. đang ngất ngây thì anh ta lặng lẽ bỏ đi khi cái thai bắt đầu tượng hình trong T. Nhà anh ta T. không biết. T. đành ôm sầu một mình vượt cạn. Để bản Sinh Tàn nghèo khó thêm một đứa trẻ không cha.

Nỗi sầu nguôi ngoai thì T. lại gặp người đàn ông nữa. Lại cả tin, lại cho họ là người tử tế, T. lại trao thân lần hai. Lần này T. hy vọng về người con trai này vì anh ta cũng là người nghèo khó và thật thà hơn người “chồng” đầu của đứa con đầu. Thế rồi hy vọng của T. cũng lại nhanh chóng tan vỡ. Người đàn ông này cũng lại lặng lẽ bỏ đi giữa đêm xuân vắng đại ngàn, để lại cho T.  một đứa con nữa. Cứ lặng lẽ, chấp nhận và hy vọng, vì sự nhẹ dạ của mình T. lại có thêm đứa con thứ 3 mà không biết bố nó tên cụ thể là gì, ở đâu nữa.

Bản Sinh Tàn ngoài nghèo đói nay lại đang gánh thêm áp lực về những đứa trẻ không cha, những người phụ nữ không chồng, đang phải nuôi con một mình. Ngoài thân phận Bàn Thị T., thì Bàn Thị H. cũng có hoàn cảnh hết sức trớ trêu.

Chồng sớm tội lắm ai ơi!

Cũng như T., chòm chèm bước vào tuổi thiếu nữ, với đủ các đường nét đam mê và hấp dẫn thì có một người đàn ông tìm đến. Anh ta chủ động tỏ tình với H. Vẫn chỉ là một suy nghĩ yêu rồi lấy, vẫn là sự kém hiểu biết nên H. đã nhanh chóng trao thân gửi phận trong những lần ngủ thăm với anh ta. Rồi cũng như những người đàn ông đã đến với T., người đàn ông này cũng lại nhanh chóng bỏ H. lại bản Sinh Tàn cùng cái thai đang lớn dần. H. lại tự sinh, tự dưỡng đứa con không bố trong ngôi nhà tuềnh toàng và những bữa đói no phập phù...

Sơn ngàn... mất tuổi hồn nhiên

Cũng như các nhóm người Mông khác ở Tây Bắc, người Mông Hoa ở Hang Kia cũng có tập tục “bắt vợ”. Bản chất của tập tục "bắt vợ" vẫn là nét văn hóa của người Mông, thế nhưng hiện tại tập tục này lại đang bị lạm dụng. Nhiều thiếu nữ Mông ở Hang Kia, trong thời gian gần đây đã vô tình bị mất tuổi hồn nhiên của mình khi tập tục này bị lạm dụng. Xót xa hơn là có cả những bé gái chỉ mới 12, 13 tuổi đã bị thanh niên các thôn bản bắt về làm vợ.

Ngồi đối diện với tôi trong chiếc quán là Vàng A Sếnh và Khà Y Chứ. Thú thực, nhìn Sếnh và Chứ, tôi cứ nghĩ họ là... anh em. Không ngờ họ lại là vợ chồng. Sếnh có vợ từ khi 14 tuổi, còn Chứ “bị” làm vợ từ lúc mới 13. Ngồi nói chuyện cùng Sếnh, tôi thấy Sếnh có vẻ rất tự hào khi mình bắt được người vợ trẻ có tên là Khà Y Chứ này. Theo lời kể, gần Tết của 4 năm về trước, Sếnh đã gặp Chứ ở một bãi ném còn.

Lời qua, lời lại, Sếnh đã theo Chứ về nhà, rồi tìm đến lớp học của Chứ. Vài tuần sau, khi Chứ còn đang ngồi trên lớp, sắp kết thúc buổi học cuối năm thì ào một cái, Sếnh cùng mấy người bạn xông thẳng vào lớp bắt Chứ đi trước sự sững sờ của cô giáo. Từ một cô gái còn đang tuổi hồn nhiên, Chứ bắt đầu phải làm vợ. Gánh nặng của một người vợ đã được đặt lên vai Chứ và tôi không thể hình dung được cuộc sống của họ sẽ như thế nào.

Khi tập tục bị lạm dụng, rất nhiều thiếu nữ vùng cao đã mất đi tuổi hồn nhiên của mình.

Số lượng trẻ em gái ở Hang Kia và các xã lân cận bị trai Mông “bắt” về “làm vợ” tạo ra hiện tượng vợ chồng trẻ con lấy nhau rồi sinh ra trẻ con ở cái xã này. Các lớp học, các gia đình có bé gái cứ bất chợt lại mất người. Và họ cũng không phải lo lắng, không phải đi tìm khi biết rằng họ mất người chỉ do tập tục. Theo thống kê, hiện nay đã có khoảng 30 gia đình “vợ chồng trẻ con” ở cái thung lũng này!

Ven trời Tây Bắc... “nhức đau”

Lai Châu là một tỉnh mới chia tách. Lên Lai Châu vào độ này, ngoài uống rượu, chơi chợ, ăn những món đặc sản được chế biến từ rêu suối, săn cá trên suối Nậm Sỏ thì người ta còn được chứng kiến tập tục “kéo vợ”, “bắt vợ”. Mảnh đất Tây Bắc, thượng nguồn con sông Đà, mỗi “mùa bắt vợ” qua đi, người ta không thể thống kê được có bao nhiêu thiếu nữ các dân tộc thiểu số môi đỏ, tóc dài, da trắng đã trở thành nạn nhân của tập tục này.

Tại bản Nậm Se, tôi tìm đến nhà Lý Thị Hợp. Trong ngôi nhà tranh, gió thốc bốn bề, nằm sát bìa rừng nơi một con suối cạn, ngôi nhà của vợ chồng trẻ Lý Thị Hợp và Vàng Văn Việt nằm đó. Lý Thị Hợp, người con gái phải chấp nhận tập tục “bắt vợ” của người Mông đã phải làm vợ từ năm em 12 tuổi.

Hợp xinh gái, với đầy đủ đường nét và tố chất của một cô gái Mông vùng biên ải. Năm em 12 tuổi, đang váy áo xúng xính cùng bạn bè đồng lứa thì em “được” Vàng Văn Việt (chồng của em bây giờ, hơn em 2 tuổi) "để ý". Thế là Tết năm ấy, cuộc đời thiếu nữ của em khép lại khi Vàng Văn Việt rủ tụi bạn chặn đường “bắt” em về làm vợ. Cũng giống như những cô gái Mông khác, cuộc đời con gái Mông miền Tây Bắc của em đã chấm hết. Có học, có làm, có ở với bố mẹ đẻ nữa cũng bằng không thôi. “Ma nhà chồng” đã “ghi tên” em vào “sổ” nhà họ rồi! Không có lối thoát, không có sự lựa chọn, theo tập tục, em đành gạt nước mắt bước chân vào cửa nhà chồng.

Vào Phong Thổ, tại Mù Sang, tôi cũng gặp Vàng Thị Dợ. Dợ là một cô gái Dao, so với Hợp, Dợ vẫn "may mắn" hơn vì em được sống hết tuổi 16 của mình mới "bị" người ta "kéo" về làm vợ. Dợ bảo Dợ chẳng yêu ai, em bị người ta "kéo" trong một lần đi lấy rau cho lợn. Bị người ta lấy vải bịt mắt, vác về nhà cúng ma. Và cũng như cô gái người Mông Lý Thị Hợp kia, em cũng đành phải lựa chọn một khúc quanh nghiệt ngã, ấy là đi lấy chồng. Không biết người chồng ấy là người thế nào, bao nhiêu tuổi, tính nết ra sao.

Gái Mông, gái Dao ở đây là thế, bị người ta “bắt”, người ta “kéo” là phải lấy người ta thôi... Những câu lý giải hết sức đơn giản và đáng thương của những thiếu nữ vùng cao này làm lòng tôi trĩu nặng những nỗi buồn. Tựa như những “định mệnh” đầy nghiệt ngã!

ĐƠN THƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh