CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Trung ương sẽ nghiên cứu, bàn thảo về cải cách tiền lương

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tiền lương và chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó. Trung ương đã đặt ra từ nhiều hội nghị khác nhau và chúng ta cũng đã trải qua nhiều đợt cải cách chính sách tiền lương.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

 

Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là tiền đề quan trọng để Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một nghị quyết về cải cách tiền lương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khái quát lại quá trình hình thành chính sách tiền lương hiện nay, khi mà từ năm 1956 - 1957, nước ta đã hình thành chế độ tiền lương áp dụng cho các xí nghiệp, nhà máy, nông trường. Năm 1960, với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài, Việt Nam đã thực hiện cải cách tiền lương áp dụng với người làm việc trong khu vực Nhà nước, công nhân viên chức, sĩ quan. Hệ thống lương quy định cụ thể theo công việc, chức vụ, nhiệm vụ gắn với trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo. Tuy nhiên, thời kỳ này, ngoài lương thì Nhà nước còn bao cấp mạnh theo tem phiếu, thậm chí cán bộ, công chức có nhà ở phân phối. Tổng số người hưởng lương Nhà nước thời điểm này khoảng 1 triệu người. Năm 1985, Việt Nam cải cách tiền lương lần thứ 2 và tới năm 1993 là lần cải cách tiền lương lớn nhất từ trước tới nay. Lần này, việc cải cách đã mở rộng quan hệ tiền lương cùng hệ thống thang, bảng lương.

 

Thu nhập trung bình của người lao động ở mức 5,5 triệu đồng/tháng

 

Phó Thủ tướng cho rằng cải cách tiền lương không chỉ liên quan đến tiền lương cơ bản, lương tối thiểu, mà còn liên quan đến nhiều chính sách, đối tượng khác nhau. Tương tự như vậy là chính sách BHXH cũng liên quan mật thiết đến người lao động. “Tuy nhiên, mỗi lần trình đề án cải cách tiền lương thì vấn đề quan trọng là nguồn nguồn lực kinh phí để cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, cải cách tiền lương phải dựa trên tinh thần sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế. Nếu không tinh giản biên chế thì rất khó để thực hiện cải cách tiền lương”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về quản lý và chi trả tiền lương, Phó Thủ tướng cho rằng, tiền lương là chế độ chính sách, nhưng trong hoạt động lao động đó là thoả thuận nên có thể cân nhắc tăng quyền quản lý và chi trả cho người sử dụng lao động.

Phó Thủ tướng lưu ý một số đặc thù của Tổng liên đoàn Lao động lao động Việt Nam: Không sử dụng ngân sách Nhà nước mà phải thu để chi, trong đó nguồn thu quan trọng là phải gắn với sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế. Bên cạnh việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, việc trả lương theo vị trí việc làm cũng rất đáng quan tâm.

Chỉ có 51,3% người lao động vừa đủ trang trải đời sống

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Lý cho biết, toàn hệ thống công đoàn có 14.957 cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan công đoàn từ Trung ương đến cấp trên trực tiếp cơ sở là 7.977 người; viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công đoàn: 634 người; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công đoàn: 6.346 người. Thu nhập bình quân: 6.822.204 đồng/người/tháng.

Hiện nay, thu nhập trung bình của người lao động, không kể ăn ca là 5,5 triệu đồng/tháng; còn lương để tính đóng BHXH năm 2017 là 4,48 triệu đồng/tháng. Để tăng thu nhập, người lao động phải làm thêm hoặc tăng ca nhưng mức thu nhập cũng chỉ thêm khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng, số tiền này chiếm 20 - 30% thu nhập hàng tháng của người lao động. Nếu không có khoản làm thêm thì tiền lương rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, không có tích luỹ.

Khảo sát thực tế cho thấy, chỉ có 51,3% người lao động vừa đủ trang trải đời sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện kham khổ, 12% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% có thể tích luỹ từ tiền thu nhập.

Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, trước mắt là hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu nêu trong Bộ luật Lao động theo hướng tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Hội đồng Tiền lương cần công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

LAN NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh