"Sốc" với hành vi "phù phép" điểm thi của các bị cáo trong vụ gian lận thi cử
- Pháp luật
- 00:11 - 15/10/2019
Theo đó, Hội đồng xét xử vụ án gian lận thi cử trung học phổ thông quốc gia lần này gồm 5 người, thẩm phán là bà Vương Thị Thu Hà làm chủ tọa. Giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa là ông Trần Quốc Hùng và bà Vũ Thị Thanh Nga (kiểm sát viên trung cấp, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Giang).
Phiên tòa được dư luận đặc biệt chú ý bởi các trường hợp thí sinh được nâng điểm đều là con cái, họ hàng của các cán bộ Hà Giang trong đó có cả trường hợp con gái nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.
Trong phiên xử ghi nhận sự vắng mặt của nhiều người liên quan đến vụ án như các trường hợp: Bà Phạm Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang vợ của ông Triệu Tài Vinh hay bà Triệu Thị Giang (em gái ông Triệu Tài Vinh)...
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra căn cước có 101/178 người vắng mặt. Trong đó, 82 người có đơn xin xử vắng mặt, 19 người vắng không lý do.Số người có mặt tại tòa thực tế 86 người, còn lại vắng mặt có lý do là 82 người, vắng mặt không có lý do là 19 người. bị cáo có mặt tại tòa gồm các bị can: Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương (Trưởng và phó Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Riêng bị can Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 358, Bộ luật Hình sự 2015.
Còn lại các bị can Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó đội trưởng thuộc phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 366, Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang bị can Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương để thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh môn trắc nghiệm, vi phạm quy chế thi.
Dù bị can Hoài không trực tiếp nâng điểm cho các thí sinh, nhưng Hoài đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm và Lương đã nhận nâng điểm cho 14 thí sinh trong kỳ thi quốc gia 2018. Bị can Vũ Trọng Lương một mình thao tác trên máy tính để can thiệp, sửa chữa kết quả bài thi. Riêng Lương đã sửa chữa 309 bài thi trên 249 ảnh gốc bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Bị can Phạm Văn Khuông đã trực tiếp nhờ Hoài nâng điểm cho con và con bị can Khuông được nâng 13,3 điểm.
Đối với bị can Lê Thị Dung, do mối quan hệ quen biết đã nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, kết quả 20 thí sinh đều được nâng điểm.
Bị can Triệu Thị Chính không những không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của Trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế mà bị can này còn đưa một danh sách gồm 13 thí sinh, trong đó nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 12 thí sinh và xem điểm cho một thí sinh.
Quá trình điều tra, cơ quan An ninh Điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định, nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án.
Đã đấu tranh với gia đình những thí sinh có con được nâng điểm, nhưng không trường hợp nào thừa nhận có đưa tiền hoặc vật chất nhờ nâng điểm. Ngoài ra, bị can Hoài và Lương khai chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ thân thiết.
Hành vi của các bị can không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà về cả lâu dài, đào tạo ra nguồn nhân lực yếu kém, chất lượng thấp, tác động đến đạo đức và sự công bằng cho xã hội.
Tuy nhiên, hành vị này đã bị phát hiện, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chấm thẩm định, trả lại điểm số thực trước khi xét tuyển đại học. Không có thí sinh nào bị buộc thôi học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Do hành vi của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, do đó cần xử lý hình sự.