Sóc Trăng: Tạo sinh kế cho người Khmer thoát nghèo
- Dược liệu
- 17:08 - 31/01/2021
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh uỷ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện, từ đó đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua từng năm, đời sống người dân được nâng lên đáng kể.
Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời đã giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, tìm được việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo. Các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả tích cực.
"Một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp người dân tham gia tăng thu nhập. Đáng chú ý là mô hình nuôi bò sữa, nuôi dê, trồng màu…, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer xóa đói, giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững". Ông Thanh chia sẻ.
Được biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản, từ 135 triệu đồng/ha năm 2016 tăng lên 185 triệu đồng/ha năm 2020; từ đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.
Các chính sách an sinh xã hội cũng được tỉnh triển khai thực hiện tốt. Công tác chăm lo cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Hằng năm, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu.
Đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Thực hiện Chương trình 30a, tỉnh đã triển khai thực hiện 94 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng kinh phí thực hiện trên 72,2 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế với 47 mô hình phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo được hỗ trợ triển khai thực hiện trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, với kinh phí thực hiện trên 18,733 tỷ đồng.
Qua đó, có 1.179 hộ gia đình (840 hộ nghèo, 273 hộ cận nghèo, 180 hộ dân tộc thiểu số) được hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất để phát triển kinh tế. Các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng thu nhập ổn định cho các đối tượng được hỗ trợ, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung vận động Quỹ "Vì người nghèo", "Ngày Vì người nghèo", tháng cáo điểm "Vì người nghèo"; các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo… nhất là truyền thống đoàn kết, "Tương thân tương ái", "Lá lành đùm lá rách" giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng các dân tộc, góp phần thực hiện tốt chủ trương giảm nghèo nhanh, bền vững của tỉnh, địa phương.
Đặc biệt, thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phân chia trách nhiệm với các đoàn thể chính trị - xã hội và một số tổ chức thành viên giúp đỡ hộ thoát nghèo với phương châm "không để hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn nào mà không có tổ chức thành viên hỗ trợ", kết quả đã giúp 3.422/3.500 hộ đoàn viên, hội viên thoát nghèo, đạt 97,8% trên tổng số hộ nhận giúp đỡ.
MTTQ các cấp đã thực hiện tốt công tác huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ trên 27 tỉ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật) cho Quỹ "Vì người nghèo" ba cấp. Qua đó, ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 363 căn đại đoàn kết cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, tặng quà các dịp lễ, tết, hỗ trợ người nghèo trị bệnh nặng, tặng học bổng, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng mô hình giảm nghèo... với tổng số tiền gần 18 tỉ đồng.
Song song đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện tốt, đặc biệt là lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng nâng lên; cơ bản đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh việc đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động, người sử dụng lao động, tỉnh còn định hướng, tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước với thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh còn dưới 3%, thấp hơn 5% so với thời điểm năm 2015 (còn 8,8%).
Tại buổi làm việc và kiểm tra tại tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, Sóc Trăng đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; đạt được hiệu quả lớn trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo hoặc dịch chuyển sang hộ cận nghèo nhằm đạt tiêu chí của nông thôn mới, Sóc Trăng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo; quan tâm, sâu sát trong công tác chỉ đạo thoát nghèo bền vững, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.
Năm 2021, Sóc Trăng phấn đấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2% - 3%; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3% - 4%/năm. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.