CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Nhiều cách làm hay để giảm nghèo ở Nam Trà My

Trong quá trình thực hiện, UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp, nhiều cách làm hay, phù hợp với địa phương để hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Đó là giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm cho các địa phương; tập trung các nguồn lực cho hộ đăng ký thoát nghèo (thoát nghèo có địa chỉ), đặc biệt vận động "Cán bộ, công chức, lao động giúp hộ nghèo thoát nghèo" theo phương châm "3 công chức, lao động giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững". Cụ thể: giúp cách phát triển kinh tế hộ gia đình theo định hướng chung của huyện "trồng cây gì, cuôi con gì"; dần bỏ trồng trọt, chăn nuôi theo phong tục, tập quán mà đưa chăn nuôi có chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Nhiều cách làm hay để giảm nghèo ở Nam Trà My - Ảnh 1.

Dự án trồng Sâm Ngọc Linh đang là mô hình giảm nghèo được huyện Nam Trà My chú trọng phát triển, nhân rộng

Sau khi có Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02/9/2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy, UBND huyện đã quán triệt chủ trương sâu rộng về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến đội ngũ cán bộ chủ chốt huyện, xã, thôn. Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền cho hộ nghèo về chính sách của nhà nước trong thực hiện chương trình.

Từ những giải pháp quyết liệt đó, trong 5 năm qua, đã có trên 2.324 hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và qua rà soát hàng năm có 2.306 hộ thoát nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo không những thoát nghèo bền vững mà còn có tài sản tương đối lớn và đầu tư kinh tế sang hướng mới (đầu tư trồng dược liệu, trồng Sâm Ngọc Linh) để vươn lên làm giàu. Đến nay, trên địa bàn huyện số hộ nghèo giảm 2.476 hộ (năm 2015: có 4.744 hộ nghèo, đến cuối năm 2020 còn: 2.268 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 40,65% (năm 2015: 70,89%, cuối năm 2020: 30,24%).

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện tuy giảm nhiều hơn so với năm trước nhưng vẫn còn rất cao so mức bình quân chung của tỉnh, cả nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chương trình ở một số địa phương chưa kịp thời, đồng bộ, thiếu quan tâm trong chỉ đạo xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo. Công tác chỉ đạo và tổ chức rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm của các xã còn bất cập, sai sót, chưa thực hiện đúng quy trình rà soát theo hướng dẫn của trung ương và của tỉnh.

Việc tổ chức họp dân, xác định hộ nghèo, cận nghèo có tình trạng vị nể, thiên vị; Lực lượng điều tra viên thiếu chuyên nghiệp, trình độ hạn chế làm phần nào ảnh hưởng đến chất lượng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ. Ở một số địa phương, vẫn còn tư tưởng giữ tỷ lệ hộ nghèo cao để được chính sách hỗ trợ đầu tư; Công tác kiểm tra, giám sát thiếu tập trung, thực hiện chưa thường xuyên, đúng quy định; chưa thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra theo chuyên đề; thiếu sự phối hợp với các ngành trong tổ chức kiểm tra chính sách dự án giảm nghèo trên địa bàn.

Từ những kết quả đạt được nêu trên, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My tiếp tục khẳng định công tác giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội và chính bản thân hộ nghèo, người nghèo. Vì thế, công tác giảm nghèo phải được đặt trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện và thực hiện các chính sách vùng dân tộc thiểu số - miền núi.

Đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo trên tinh thần phát huy nội lực là chính, với phương châm "người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ"; xác định đối tượng để tập trung giảm nghèo là hộ gia đình, khu dân cư, thôn trên địa bàn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản ở địa phương.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh