THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:49

Sóc Trăng nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn khá cao so với tỷ lệ chung vùng Tây Nam bộ. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đang có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó, việc giảm nghèo trong bà con dân tộc Khmer luôn đạt ở mức cao, bình quân hàng năm toàn tỉnh giảm được từ 2-3% hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo Khmer giảm trên 3%/năm.

 

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng

 

Tỉnh đã chủ động trong việc lồng ghép và thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo. Đó là thực hiện tốt Chương trình 135 của Chính phủ, kịp thời hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, chuyển đổi ngành nghề, mua công cụ sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Cùng với đó là việc ưu đãi tín dụng, trợ giá, trợ cước; các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề giải quyết việc làm… Để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tình tập trung các nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc , vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo mọi điều kiện để người nghèo, cận nghèo có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Từ đầu năm 2018, Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh việc lồng ghép nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình như nuôi bò, trồng màu, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mở các điểm du lịch… Đồng thời, tỉnh cho các hộ thuộc diện nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, hoạc nghề, đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, việc lồng ghép chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo... đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Đặc biệt nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã có cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định với thu nhập khá, có nhiều hộ thoát nghèo từ việc đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong những năm qua, các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ người nghèo ở Sóc Trăng tiếp tục được đầu tư có hiệu quả. Qua rà soát, đến cuối năm 2017, số hộ thoát nghèo của tỉnh là 11.867 hộ. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn Sóc Trăng hiện nay còn khoảng 38.304 hộ, chiếm tỷ lệ 11,85% (giảm 3,47% so với năm 2016). Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là 18.037 hộ, tỷ lệ 17,95% (giảm 5,02% so với năm 2016).

Dạy nghề để giải quyết việc làm ở Sóc Trăng

Hiện nay tỉnh tiếp tục đưa ra một giải pháp để công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả cao hơn. Theo đó, sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để trẻ em nói chung và trẻ em thuộc con hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc Khmer nghèo nói riêng có điều kiện học tập thuận lợi. Ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các ấp, xã nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ y tế. Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Chính phủ và các nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Phát huy, nhân rộng mô hình nhóm tiết kiệm để người dân, nhất là người nghèo tiếp cận được đồng vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi, từ đó phát triển kinh tế gia đình. Sóc Trăng sẽ thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer.

Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyền truyền về chương trình giảm nghèo, phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, tỉnh cũng tập trung giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang cản trở hay làm chậm tiến trình giảm nghèo của tỉnh. Theo đó, thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo còn gặp một số khó khăn, hạn chế như các chương trình, dự án, công trình về cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật… chưa kịp thời; sự phối hợp, trao đổi thông tin báo cáo tình hình triển khai các chương trình, dự án và chính sách liên quan đến mục tiêu giảm nghèo giữa các ngành, các cấp đôi lúc chưa nhịp nhàng, chưa chặt; tính bền vững chưa cao do nhận thức của một bộ phận không nhỏ người nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo sang cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao.

Người dân tăng thu nhập từ trồng soài công nghệ mới

 

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số chính sách chưa được cụ thể hóa kịp thời, có chính sách mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn nên trong triển khai thực hiện thiếu đồng bộ; thậm chí có chính sách còn gián đoạn trong quá trình thực hiện, bố trí nguồn lực chưa tương xứng với mục tiêu đề ra…

Sóc Trăng sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, đảm bảo đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân về giảm nghèo bền vững, về cách làm giàu, về ý chí vươn lên, tự thân vận động một cách thường xuyên, sâu rộng với nhiều hình thức khác nhau. Tỉnh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực tại chỗ, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương, vận động sự tham gia của cộng đồng xã hội, của các đơn vị cá nhân, nhà hảo tâm để đẩy nhanh hơn tiến trình giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tỉnh sẽ tổng kết tìm ra các mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng, tập trung đầu tư các công trình về cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật, kết nối, trao đổi thông tin tạo ra sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện Chương trình giảm nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là mục tiêu hàng đầu của các mục tiêu thiên niên kỷ. Sóc Trăng sẽ tập trung hướng vào những nơi còn tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần đúng trọng tâm, đúng trọng điểm và quyết tâm cao./.

ĐÀO HIỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh