THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:41

Sóc Trăng cùng cả nước chung tay vì người nghèo – “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Người nghèo tiếp cận hiệu quả các chính sách an sinh xã hội

Tại Sóc Trăng, qua triển khai, thực hiện Phong trào thi đua “vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, cho thấy các cấp ủy Đảng, Chính quyền đã nhận thức đúng đắn, sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào, đặt công tác giảm nghèo thành nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên và tích cực tuyên truyền, vận động để trở thành phong trào chung trong toàn xã hội. Với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai, thực hiện hiệu quả; công tác chăm lo cho người nghèo không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương mà còn huy động được sự tham gia của rộng rãi Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, qua triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, nhiều mô hình tiêu biểu, sáng kiến hiệu quả đã được xây dựng và nhân rộng tại các địa phương, trong đó nổi bật là các mô hình như: hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung tích cực tương trợ lẫn nhau, thông qua phổ biến kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ cây, con giống, tạo việc làm tại chỗ cho hội viên, nông dân với 1.568 ngày công lao động và giống, vốn trị giá 768,9 triệu đồng; hội viên Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Trần Đề thành lập các nhóm phụ nữ tương trợ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, nhóm phụ nữ nuôi heo đất, tiết kiệm trong chi tiêu, các mô hình làm ăn có hiệu quả; các mô hình “Hạt gạo nghĩa tình” tại xã Gia Hòa 2, mô hình “Chung sức vì người nghèo”, “Tổ thiện tâm” tại xã Ngọc Tố của huyện Mỹ Xuyên đã hoạt động thiết thực hỗ trợ về lương thực, nhu yếu phẩm, nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn.

 Nhiều mô hình tiêu biểu, sáng kiến hiệu quả đã được xây dựng và nhân rộng tại các địa phương.

Nhiều mô hình tiêu biểu, sáng kiến hiệu quả đã được xây dựng và nhân rộng tại các địa phương.

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ người nghèo trong những năm qua, ông Võ Thanh Quang – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế vượt qua những thời điểm khó khăn, ổn định cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cụ thể: triển khai hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh là  419.990.300.000 đồng, gồm có: hỗ trợ 1.379 doanh nghiệp, số tiền 29.091.040.000 đồng (trong đó, giảm đóng BHXH 26.184.000.000 đồng); hỗ trợ 14.270 hộ kinh doanh, số tiền 42.810.000.000 đồng; hỗ trợ 281.179 lao động, số tiền 348.089.300.000 đồng, trong đó, lao động tự do 122.444 người, số tiền 183.666.000.000 đồng; thực hiện hỗ trợ gạo cho 501.142 người dân, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn, với 7.517 tấn gạo, với kinh phí thực hiện trên 105 tỷ đồng; tổ chức vận động quà, lương thực, thực phẩm, hàng hóa và trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ cho người người dân trong tỉnh và thực hiện 07 chuyến xe nghĩa tình vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng nông sản hỗ trợ đồng bào đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19  với tổng trị giá trên 58 tỷ đồng.

 

Thực hiện chính sách trợ giúp bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội toàn tỉnh đã trợ cấp hàng tháng đối với 46.366 đối tượng bảo trợ xã hội gồm: trợ cấp thường xuyên 43.314 đối tượng, nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng 2.942 đối tượng và hỗ trợ 110 đối tượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, với kinh phí hơn 290 tỷ đồng/năm; cấp 33.716 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đảm bảo có 100% đối tượng khó khăn theo tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh được trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất tại cộng đồng. Toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp hàng tháng 2.113 đối tượng, trợ giúp khẩn cấp 05 đối tượng và hỗ trợ mai táng phí 15 đối tượng, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp triển khai thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững với nhiều cách làm thiết thực, cụ thể như: Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô trong sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ, mạnh dạng đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo như: 09 mô hình sản xuất kinh tế ; 13 mô hình giảm nghèo ; Mô hình “Chăn nuôi bò lai Sind”, “Chăn nuôi bò sữa”, “Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học”, Trồng cây ăn quả, rau an toàn trong nhà lưới”, “Giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất”, mô hình “Sản xuất rau an toàn” sử dụng công nghệ tưới tự động giúp gia tăng sản lượng trên đơn vị diện tích trồng trọt...

Đồng thời, thực hiện xã hội hóa công tác an sinh xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với hệ thống Mặt trận Tổ quốc đã vận động sự tham gia, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Từ nguồn huy động được, đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể: hỗ trợ 160 bồn chứa nước, 154 chiếc xe đạp hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, học sinh nghèo với trị giá trên 150 triệu đồng; hỗ trợ cho 19 hộ bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy, 86 trường hợp hộ nghèo bị thiệt hại nhà ở do hỏa hoạn, 01 người bị cây ngã chết người, 08 trường hợp bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ cho 77 em học sinh nghèo.

Anh Thạch Chanh Đô Ra, dân tộc Khmer (Châu Thành, Sóc Trăng) đã thành công với mô hình nuôi trồng tổng hợp.

Anh Thạch Chanh Đô Ra, dân tộc Khmer (Châu Thành, Sóc Trăng) đã thành công với mô hình nuôi trồng tổng hợp.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất như: “Hỗ trợ bò sinh sản trong đồng bào dân tộc Khmer” tại Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu); hỗ trợ 50 con bò giống thực hiện mô hình “Giảm nghèo bền vững” cho đồng bào nghèo khu vực biên giới biển tại huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu; mô hình 30 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xã Long Phú, 50 con bò giống sinh sản cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Long Phú.

Theo GĐ Sở LĐ-TB&XH Võ Thanh Quang, thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào thi đua “vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng; quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến, các tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo bền vững; đồng thời thực hiện tốt việc khen thưởng các điển hình trong Phong trào thi đua; phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo theo Kế hoạch đã đề ra.

PHA LÊ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh