THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 07:52

Sóc Trăng: an sinh xã hội tốt -“chìa khóa” giúp người dân vượt qua khó khăn do Covid-19

Sóc Trăng cũng là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề về hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những lao động tự do do dịch Covid-19. Để đảm bảo người dân không ai phải thiếu ăn, bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Chính phủ, giúp người dân vượt qua "cơn bão" Covid-19.

Ông Võ Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện Sóc Trăng đã hoàn thành việc chi hỗ trợ (đợt 1) cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác với tổng kinh phí gần 57 tỉ đồng (bao gồm cả người bán vé số lẻ). Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho 1.093 đơn vị; hỗ trợ 599 người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Cẩm Đào tặng quà hỗ trợ gia đình chính sách, người Khmer ở thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị. Ảnh: Q.K

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Cẩm Đào tặng quà hỗ trợ gia đình chính sách, người Khmer ở thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị. Ảnh: Q.K

Đặc biệt, tỉnh đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ gần 3.000 tấn gạo tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội do ảnh hưởng dịch bệnh và khi gạo được cấp thì bằng mọi cách các địa phương trong tỉnh đã chuyển đến tay người dân trong thời gian sớm nhất để bà con yên tâm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Hiện tỉnh cũng đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục hỗ trợ cho lao động tự do mất việc (đợt 2, đợt 3) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí lương thực để tỉnh hỗ trợ cho các đối tượng đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (chủ yếu là người lao động làm việc ngoài tỉnh), không để ai phải thiếu đói do dịch bệnh, ông Quang cho hay.

Chị Nguyễn Thị Loan, ở ấp Phú Đức, xã Long Phú (buôn bán tự do), chồng làm thuê, không đất sản xuất. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chị không buôn bán được, gia đình gặp nhiều khó khăn, nhận được số tiền 1,5 triệu đồng trong đợt 2 này chị rất phấn khởi, có tiền để trang trải cuộc sống gia đình. “Nhận được tiền tôi mừng lắm, gia đình trang có tiền để trang trải cuộc sống, mấy tháng nghỉ ở nhà không làm gì, không có thu nhập, tiền để dành cũng lấy ra để chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tiền hỗ trợ kịp thời đến với lao động gặp khó khăn là niềm an ủi và động viên chúng tôi trong dịp này”, chị Loan tâm sự.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực cách ly y tế. Để kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn của người dân, các địa phương trong tỉnh mà nòng cốt là Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị đã vào cuộc huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều tổ chức và cá nhân cũng chung tay giúp đỡ người lao động trong đại dịch này. Cụ thế như chuyến xe nghĩa tình, trao tặng túi an sinh, “Chuyến xe nghĩa tình - Đồng hành vượt qua đại dịch”, bếp ăn nghĩa tình, gian hàng “0 đồng”… để gửi tặng lương thực, thực phẩm đến người dân với số tiền hàng chục tỉ đồng đã kịp thời động viên, tiếp thêm nguồn lực để người dân “ở yên” góp phần cùng địa phương chiến thắng dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xuất Quỹ cứu trợ tỉnh hỗ trợ 10.000 suất ăn hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh; chi hỗ trợ 3.333 phần quà cho người nghèo, người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại 11 huyện, thị xã, thành phố… không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.

Đối với những lao động trở về quê sau thời gian giãn cách, tỉnh Sóc Trăng đã đón gần 40.000 người lao động từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… về địa phương. Hầu hết người lao động về địa phương có hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt khó khăn. Để kịp thời hỗ trợ người dân trong thời gian thực hiện cách ly y tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thống nhất chủ trương hỗ trợ tiền ăn cho người dân Sóc Trăng từ vùng dịch trở về địa phương phải cách ly y tế tập trung, cách ly tại nhà và các trường hợp F1 được cách ly tại nhà, mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày. Qua đó, để nhằm giảm bớt phần nào khó khăn, động viên người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình mình và cho cộng đồng, chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19.

Trao bảng phân bổ tượng trưng số lượng nhà ở cho các huyện, thị xã thành phố. (Ảnh: THIỆN HẢI)

Trao bảng phân bổ tượng trưng số lượng nhà ở cho các huyện, thị xã thành phố. (Ảnh: THIỆN HẢI)

Trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh chuẩn bị ưu tiên đón các em học sinh và công dân quê Sóc Trăng đang sinh sống, học tập, lao động tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về quê hương. Đồng thời, tỉnh cũng có quyết định miễn học phí 5 tháng cho học sinh toàn tỉnh tại các trường công lập, nhằm chia sẻ, giảm bớt một phần khó khăn cho phụ huynh vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình tiếp bước các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh như trao học bổng, tặng tập sách, xe đạp… để tất cả các em đều được đến trường.

Việc hỗ trợ kịp thời các chính sách đã giúp cho các đối tượng góp phần chia sẻ một phần khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động trên địa bàn tỉnh có cuộc sống ổn định.

PHA LÊ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh