THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:56

Số phận đặc biệt của một tử tù bị lãng quên

 

Hẹn gặp nhau ở quán cà phê vào sáng chủ nhật, Đặng Văn Thế đến rất đúng giờ. Anh khoe, sau 1 tháng ra tù, anh đã có việc làm ở quê nhà và hôm nay mới được nghỉ một hôm để xuống Vinh chơi.

Vận quần zin, áo pull thể thao, Đặng Văn Thế trông không già hơn so với tuổi 41 của mình. Thế có khuôn mặt khá điển trai, nụ cười dễ mến để gây được thiện cảm cho người đối diện. Thế luôn xưng em một cách khiêm tốn với cả những người ít tuổi hơn mình khi trò chuyện.

Học hết lớp 4, Thế bỏ học, lớn lên đi làm phụ xe, xách thuê ma túy rồi vướng vào tù tội. Học hành chỉ đủ để biết đọc và đếm số nhưng Thế lại rất lợi khẩu, hoạt ngôn khiến người nghe có cảm giác thú vị, dễ gần. Sau gần 19 năm trời vùi mình trong chốn biệt giam và trại giam, Thế nói mọi thứ ở bên ngoài đều trở nên xa lạ khi anh được trở về với cuộc sống đời thường vào giữa tháng 6 vừa qua. “Em đang là người của thế kỷ trước, thấy mình đang vô cùng lạc hậu, đến chai bia cũng không biết mở. Em sẽ đi nhặt từng hạt thóc để làm lại cuộc đời và nguyện sống thật lương thiện để chuộc lại lỗi lầm của mình và không phụ lòng những người đã giúp đỡ, cho em cơ hội để sống tiếp”, Đặng Văn Thế nói.    

Đặng Văn Thế khi còn cải tại ở Trại giam số 6.

Cái giá phải trả và ước nguyện hoàn lương  

Ngồi nhấp ngụm cà phê và chậm rãi nuốt như để thưởng thức hương vị của cuộc sống tự do, Đặng Văn Thế nói sau gần 20 năm đền tội trong chốn lao tù, anh nhận ra rằng, tự do và sự sống là hai thứ mà khi rơi vào tình cảnh bị mất hoặc sắp mất bị mất đi thì mới thấy nó quý giá đến mức nào. Chính anh đã phải nỗ lực liên tục trong suốt gần 20 năm trời để đổi lại được nó. Trở về với cuộc sống tự do khi đã ở cái tuổi mà lẽ ra đã có một gia đình yên ấm, Đặng Văn Thế tỏ ra ân hận, tiếc nuối quãng thời gian đã mất đi mà lẽ ra anh đã làm được nhiều thứ có ích cho mình và cho người khác. “Người ta bảo chỉ còn hai bàn tay trắng, còn em, em đã 41 tuổi nhưng mình vẫn chỉ là hai bàn tay… đen và mọi thứ lại bắt đầu từ điểm xuất phát”, Đặng Văn Thế nói.

Thế mỉm cười, kể, ngày ra tù, trở về nhà, hàng trăm người dân xã Mỹ Sơn đã chào đón anh như đón một người từ cõi chết trở về. Nhiều người đã chạy đến ôm anh. Đó là động lực để anh xây lại cuộc sống “từ hai bàn tay đen” và thoát ra khỏi sự mặc cảm của số phận. “Em đã rất xúc động vì mọi người nhìn mình bằng ánh mắt chia sẻ và nụ cười cảm thông”, Đặng Văn Thế nói. Sau mấy ngày anh được trả tự do, ông chủ tịch xã Mỹ Sơn đến nhà, đèo anh bằng xe máy ra khu đất gần quốc lộ 15 nói đây là khu đất xã đang quản lý, xã sẽ tạo điều kiện cho anh mượn để anh tìm kế sinh nhai. Rất xúc động trước nghĩa cử của ông chủ tịch xã nhưng Đặng Văn Thế chưa dám nhận. Anh nói, mới ra tù, trong tay không có vốn liếng, chưa có kinh nghiệm nên chưa biết nên kinh doanh gì. Một ông chủ xe khách ở Đô Lương chuyên chạy tuyến Đô Lương-Hà Nội sau đó ngỏ ý nhận anh làm quản lý. Đặng Văn Thế đã nhận lời và đó là công việc mà anh đang làm và “cảm thấy hài lòng vì lao động đã mang lại niềm vui”.

Đặng Văn Thế ngày trở về.

 4.000 đêm không dám ngủ   

Đặng Văn Thế kể: 15 ngày sau khi bị tuyên án tử về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Thế viết lá đơn gửi chủ tịch nước xin ân tha tội chết. “Khi lá thư của em không được hồi âm, em bắt đầu có cảm giác lo sợ khi đêm xuống. Theo qui định, tử tù sẽ bị đưa đến pháp trường để xử bắn vào ban đêm nên đêm nào cũng thế, trừ thứ 7 và chủ nhật, em không hề chợp mắt được vì không biết mình sẽ bị dẫn đi bất cứ lúc nào”, Đặng Văn Thế nhớ lại.

Chiếc đồng hồ treo tường tại phòng làm việc của cán bộ quản giáo nằm cách phòng biệt giam của tử tù Thế mấy chục mét, nhưng đêm nào anh cũng nghe rõ từng tiếng nhích của chiếc kim giây. Những tiếng nhích nặng nề và đầy ám ảnh ấy như nhắc nhở ngày định mệnh của Thế. Trong đêm khuya thanh vắng ấy, Thế nói, cứ hễ nghe tiếng gót giày của quản giáo nện xuống nền đất là sợ. Sợ đã đến thời khắc mình phải ra pháp trường đền tội. Sự ám ảnh về cái chết khiến Thế trở nên bất an, sợ hãi và Thế đã phải trải qua 4.000 đêm như thế. “15 tháng sau khi bị tuyên án, một buổi sáng, một cán bộ quản giáo hỏi em đêm qua có ngủ được không. Em nói đêm qua em nằm mơ thấy cán bộ dẫn em đến gần bể nước để thi hành án em. Anh ấy nói, đêm qua, thằng Dũng (kẻ đồng phạm với Thế) đã bị đưa ra pháp trường rồi”, Thế rùng mình. Đến tháng 7.1999, Thế được cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị tạm hoãn thi hành án để mở rộng vụ án ma túy. 

Sau 40 ngày cưới vợ, Thế bị bắt. 3 năm sau, người vợ không hy vọng chồng mình còn cơ hội sống để trở về nên chị đã đi tìm hạnh phúc mới. Thế kể, ngày 18.7.2000, Thế như bị tuyên án tử lần 2 khi vợ đến trại thăm, nói anh đừng trách em, em còn trẻ, em phải tìm tương lai cho mình. Tình nghĩa vợ chồng đoạn tuyệt từ đó. Thương Thế, một cán bộ quản giáo đã cho anh 1 con mèo tam thể. Ở phòng biệt giam, con mèo này đã thành người bạn tri kỷ của Thế và nó đã đẻ ra thêm 2 thế hệ mèo, trở thành một gia đình mèo sống chung với Thế trong căn phòng biệt giam bé tí.

Thế nói, khi rơi vào tuyệt vọng thì chính là lúc anh được các giám thị, quản giáo ở trại giam tiếp hy vọng sống cho anh. Thế nhận xét đó là những người “đã tiếp cho anh động lực sống khi cái chết đã cận kề”. Thế kể, từ ngày được tự do, anh đã tìm số điện thoại và gọi điện cho những ai đã giúp anh trong  19 năm qua để cảm ơn và tri ân họ.

Sáng ngày 23.6.2009, đúng cái ngày 11 năm trước Thế bị tuyên án tử, ông Nguyễn Duy Tỵ, Giám thị trại tạm giam Nghi Kim đến phòng biệt giam của Thế báo tin vui: được “xuống xiềng”. Chủ tịch nước đã ân giảm án cho Thế từ án tử sang án chung thân. Chiều hôm đó, ông Tỵ đến đọc quyết định của Chủ tịch nước và tặng hoa cho Thế. Thế nói “đó là ngày em được tái sinh ra lần thứ hai”. 

 BOX:

Ngày 15.8.1997, Đặng Văn Thế (22 tuổi, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) bị công an bắt khi đang cùng đồng phạm Nguyễn Tất Dũng chở thuê 20kg thuốc phiện ở huyện Tương Dương. Ngày 23.6.1998, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình Dũng và Thế về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Thế viết đơn gửi chủ tịch nước xin tha tội chết nhưng không nhận được hồi âm. Sau 15 tháng tuyên án, Dũng bị thi hành án tử, còn Đặng Văn Thế, đến ngày 27.7.1999, Công an Nghệ An đề nghị tạm hoãn thi hành án tử để điều tra mở rộng vụ án ma túy. Ông Nguyễn Duy Tỵ, nguyên giám thị trại tạm giam Nghi Kim (Nghệ An) cho biết, Thế là một tử tù bị lãng quên. Khi Công an Nghệ An đề nghị tạm hoãn thi hành án, Viện Kiểm sát và Tòa án Tối cao đã có văn bản đồng ý. Việc hoãn thi hành án sau đó kéo dài và tử tù Thế bị rơi vào quên lãng. Đến năm 2009, thấy Thế là người cải tại tốt, luôn chấp hành tốt qui định của trại nên ông Tỵ đã làm văn bản báo cáo và đề nghị trình Chủ tịch nước xem xét ân giảm án cho Thế và đã được Chủ tịch nước chấp nhận.    

HOÀNG TÙNG-MỸ HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh