Nâng cao chất lượng hàng Việt ở thị trường nông thôn như thế nào?
- Các loại bệnh
- 21:56 - 02/12/2016
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để hàng Việt Nam chất lượng cao có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nông thôn, không để dư địa cho hàng ngoại nhập, hàng nhái, kém chất lượng.
Hàng Việt chất lượng cao hút khách
Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” bắt đầu được triển khai từ năm 2009 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Mục đích của phiên chợ là đưa sản phẩm có uy tín của doanh nghiệp Việt Nam tới tay người tiêu dùng ở khắp mọi miền trong cả nước. Qua các phiên chợ, người dân được tiếp cận với nguồn hàng hóa phong phú còn các doanh nghiệp trong nước có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán hàng.
Mới đây, trò chuyện với chúng tôi ở phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, cầm trên tay bộ xoong, nồi phủ chống dính của Công ty Cổ phần Nhôm nhựa Kim Hằng (TP Hồ Chí Minh), bà Đào Thị Tươi ở xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) niềm nở cho biết, đây là bộ sản phẩm xoong, nồi thứ hai bà mua từ lúc phiên chợ này được mở. Trước đó, bà đã sắm một bộ và nhận thấy kiểu dáng sản phẩm, chất lượng bảo đảm nên bà tiếp tục mua thêm để về tặng cho người thân. Bà Đào Thị Tươi cũng cho biết thêm, cùng số tiền này nếu so với sản phẩm cùng loại của một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc thì hàng Việt cũng không thua kém gì thậm chí có phần nhỉnh hơn.
Tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), ông Hoàng Kim Tĩnh, khu 1, thị trấn Tiên Lãng vui vẻ chia sẻ, sau hơn 1 năm sử dụng chiếc bếp tiết kiệm củi của Công ty Cổ phần Thế Hệ Xanh (TP Hà Nội), ông nhận thấy đây là sản phẩm cực kỳ độc đáo, phù hợp với khu vực nông thôn, giá thành thấp, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, tại phiên chợ, ông đã tìm mua sản phẩm cỡ lớn hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của gia đình.
Vui mừng trước sự thành công bước đầu của chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC) cho rằng, chính sự đón nhận và ngày càng ưa chuộng của người dân đã tạo sức sống để các doanh nghiệp trong nước có chỗ đứng trên thị trường và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Qua 7 năm triển khai, tính đến hết tháng 10-2016, đã có 186 phiên chợ được tổ chức tại 31 tỉnh, thành phố trên cả nước, với sự tham gia của 152 doanh nghiệp; trong đó có 70 doanh nghiệp đồng hành thường xuyên trên cả 3 miền. Sức hút của hàng Việt đã thấy rõ khi người dân ngày càng dành sự quan tâm cho các doanh nghiệp trong nước. Bằng chứng là đã có 3 triệu lượt người tới tham quan, mua sắm mang lại tổng doanh thu của các doanh nghiệp qua các kỳ là 181,4 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay người tiêu dùng hàng Việt Nam đã chiếm hơn 60%, riêng ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hàng Việt Nam đang chiếm hơn 90% thị phần tại các kênh phân phối. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 hàng Việt Nam sẽ có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cần tiếp sức cho doanh nghiệp chân chính
Mục đích chính của các phiên chợ đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về vùng nông thôn không chỉ là số lượng hàng được bán tại chỗ, mà là tạo cơ hội để người tiêu dùng thấy được hàng Việt Nam có chất lượng tốt như thế nào để từ đó tin dùng. Bởi thế, có hai vấn đề đặt ra là: Thứ nhất, các doanh nghiệp phải có ý thức đưa các sản phẩm tốt về nông thôn; thứ hai, phải mở rộng các kênh phân phối bán lẻ hàng Việt Nam đến tận xã, phường, làng bản ở vùng nông thôn. Đánh giá việc mở rộng mạng lưới kinh doanh có ý nghĩa sống còn với nhiều doanh nghiệp trong nước, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch HDNHVNCLC cho biết, doanh nghiệp không đặt lợi nhuận lên hàng đầu khi tham gia các phiên chợ trong chương trình “Hàng Việt về nông thôn”. Mục tiêu doanh nghiệp hướng đến vẫn là quảng bá và mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Đó là vì, hoạt động mở rộng các kênh phân phối nhỏ, đại lý tại các vùng nông thôn chính là cách dễ dàng nhất tiếp cận và giữ vững thị trường cho các doanh nghiệp. Mặt khác, thông qua các kênh phân phối nhà sản xuất sẽ lắng nghe tiếp thu ý kiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm để hoàn thiện hơn nữa khi đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn được bày bán khá nhiều tại vùng nông thôn. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp hàng Việt làm ăn chân chính phải cạnh tranh gay gắt để bám trụ thị trường. Thậm chí, vừa qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp về tận địa phương, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng ở nông thôn để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm mạo danh là sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” (HVNCLC) và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, những sản phẩm này thể hiện rõ sự kém chất lượng, nhanh hỏng. Việc làm này đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu, làm suy giảm niềm tin dành cho sản phẩm của các doanh nghiệp được công nhận HVNCLC, những doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính. Để giải quyết tình trạng này, Hội DNHVNCLC đã khuyến khích các thành viên tăng cường sự nhận diện với sản phẩm của mình. Cùng với đó, doanh nghiệp trong hội được thúc đẩy đầu tư mở rộng hệ thống đại lý, mạng lưới bán hàng tại các vùng nông thôn giúp người dân trực tiếp được tiếp cận sản phẩm chính hãng. Các doanh nghiệp cũng được vận động để khẩn trương áp dụng biện pháp truy xuất hàng hóa bằng mã vạch thông qua các thiết bị thông minh. Song song với đó, Hội DNHVNCLC cũng đã cho lập ra một website tại địa chỉ: www.congthongtinhvnclc.vn, để người tiêu dùng có thể tra thông tin về các sản phẩm đạt danh hiệu HVNCLC.
Nhiều người dân nông thôn vẫn còn lo lắng về khâu bảo hành khi sử dụng hàng Việt Nam. Do đó, để người dân yên tâm mua hàng, chị Nguyễn Phan Phương Thảo, phụ trách bán hàng tại phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” ở huyện Tiên Lãng của Công ty Cổ phần Nhôm nhựa Kim Hằng cho hay, công ty của chị đang tìm mọi cách để mở rộng, kết nối với các tiểu thương ở các địa phương tạo thành các kênh bán hàng. Từ đó, người mua hàng có một kênh chính thống trao đổi với đơn vị sản xuất để giải quyết các vấn đề liên quan tới bảo hành, chất lượng sản phẩm.
Theo bà Vũ Kim Anh, Cố vấn chương trình “Hàng Việt về nông thôn” thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), các doanh nghiệp Việt Nam ngoài kết nối để mở rộng các kênh phân phối, đại lý cũng cần có chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, trong quá trình phát triển hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp nên coi trọng việc liên kết với nhau, nhằm hạn chế khâu trung gian, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Mặt khác, Nhà nước cũng cần quan tâm các doanh nghiệp hàng Việt chất lượng, uy tín bằng việc giảm chi phí vận chuyển, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, giúp xây dựng các hệ thống bán lẻ.