Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đề nghị xử lý các đơn vị chây ỳ BHXH
- Pháp luật
- 19:26 - 31/08/2021
Theo thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 1.609 DN, đơn vị nợ bảo hiểm (chiếm 16% số đơn vị tham gia bảo hiểm) với tổng số tiền là 349 tỷ đồng. Trong số này, có 230 DN, đơn vị chây ỳ BHXH, BHYT, BHTN trên 12 tháng với tổng số tiền hơn 190 tỷ đồng; có 337 DN nợ khó thu vì mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các DN, đơn vị chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như: DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến thua lỗ, không có khả năng nộp BHXH; tình hình dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua, khiến hàng trăm DN tiếp tục gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn thực sự của các DN, đơn vị sản xuất, thì thực trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN còn xuất phát từ nguyên nhân của một số chủ sử dụng lao động chưa thực hiện tốt nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, khiến nhà nước gặp khó trong nguồn thu, quyền lợi chính đáng của người lao động bị xâm phạm. Thêm vào đó, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp, thế nhưng tình trạng chây ỳ nợ BHXH, BHYT, BHTN ở tỉnh này vẫn đang là bài toán khó, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, mới đây, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các cơ quan, đơn vị, DN; tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên, xử lý nghiêm những đơn vị chây ỳ theo đúng quy định của pháp luật.
Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chỉ đạo BHXH huyện phối hợp với cơ quan thuế xác định tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh như: phá sản, giải thể, dừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn... thời điểm chấm dứt quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động đối với các đơn vị không còn lao động tham gia BHXH, BHTN, BHYT hoặc còn ít lao động nhưng thời gian nợ kéo dài, số tiền nợ lớn. Trên cơ sở xác minh, đề xuất tạm dừng tính lãi, giảm số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.