Sơ kết 3 năm thực hiện Dự án “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”
- Giáo dục nghề nghiệp
- 19:25 - 16/07/2019
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh
Sau 3 năm, tổng kinh phí đã phân bổ cho Dự án là 3.218,978 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và An toàn lao động là 3.212,978 tỷ đồng, gồm: Vốn sự nghiệp: 3.117,682 tỷ đồng (đạt 42% so với kế hoạch); vốn đầu tư phát triển: 95,296 tỷ đồng (đạt 12% so với kế hoạch). Ngân sách các bộ, ngành, địa phương :79,326 tỷ đồng (đạt 3% so với kế hoạch). Vốn ODA: 2,67 tỷ đồng (đạt 0,4% so với kế hoạch). Các nguồn huy động khác: 3,91 tỷ đồng (đạt 0,35% so với kế hoạch).
Dự án đã triển khai đưa vào sử dụng dự án “Xây dựng Trung tâm dữ liệu giáo dục nghề nghiệp”; ứng dụng Chọn nghề - Chọn trường trên thiết bị di động cung cấp các thông tin đến ngành nghề đào tạo, xu hướng phát triển của nghề... đồng thời cho phép người học có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến vào cơ sở GDNN lựa chọn. Dự án cũng đã hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho 181 trường thuộc đối tượng thụ hưởng của Dự án với kinh phí là 1.862.296 triệu đồng. Đối với việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, Dự án cũng đã đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho 391 giáo viên để dạy các nghề nhận chuyển giao (đạt 39% so với kế hoạch). Hoàn thành việc chuyển giao 34 bộ chương trình đào tạo cho 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (trong đó: 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc và 22 bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức)…
Quang cảnh hội nghị
Tuy nhiên, trong thiết kế dự án ban đầu chỉ tính toán cho khối “dạy nghề”. Thời điểm Dự án đi vào triển khai thì đã thống nhất 2 khối “dạy nghề” và khối “giáo dục chuyên nghiệp”, số lượng cơ sở GDNN tăng gần gấp 2 lần so với thiết kế ban đầu. Trong khi, kinh phí của Dự án không được bố sung, dẫn đến kinh phí để đầu tư cho dự án còn hạn chế. Cùng với đó, cơ quan quản lý Dự án/Chương trình không được chủ động trong việc đề xuất phân bổ kinh phí vốn đầu tư của Dự án, việc bố trí kinh phí phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của từng bộ, ngành, địa phương nên không đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án. Chưa đánh giá phân loại các trường nghề được lựa chọn theo mức độ đạt được của các tiêu chí trường CLC để xây dựng phương án đầu tư…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về việc điều chỉnh các ngành nghề trọng điểm và các trường được lựa chọn. Bên cạnh đó, đề xuất Tổng cục GDNN cần xây dựng trung tâm dự báo nhu cầu nhà giáo GDNN để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và từng giai đoạn. Về chương trình đào tạo, cần tạo điều kiện cho các trường sư phạm kỹ thuật được tham gia cùng với các trường nghề chất lượng cao trong việc tiếp nhận, chuyển giao các chương trình quốc tế. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên GDNN theo chuẩn quốc tế và khu vực thì nhất thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị phải được đầu tư đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, đối với vấn đề kinh phí, các đại biểu cho rằng cần huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư theo cấp độ của từng nghề đảm bảo theo các quy định Dự án đã được phê duyệt.
PHƯƠNG MINH