THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:18

Sở hữu một miếng nhỏ ngà voi cũng có nguy cơ phải ở tù

 

Đây là thông tin do TS Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo ngày 1/6, Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5/6, với chủ đề: “Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã”.

Nhu cầu tiêu dùng – mấu chốt tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã

Theo TS Pratibha Mehta, buôn bán động vật hoang dã trái phép ảnh hưởng đến một diện rộng các loài động vật có vú, bò sát, chim, côn trùng, động vật lưỡng cư và nhiều loài trong số này nằm trong nhóm bị đe dọa cấp toàn cầu. Các báo cáo và dữ liệu đã chỉ ra việc săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ đang khiến cho những loài mang tính biểu tượng này nằm trong nguy cơ tuyệt chủng. Một ví dụ điển hình là loài tê giác Java đã bị tuyệt chủng cách đây 6 năm khi con tê giác cuối cùng bị giết để lấy sừng tại vườn quốc gia Cát Tiên, Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều loại ít được biết đến như tê tê, rùa, bò sát cũng đạng bị đe doạn nghiệm trọng. Ở Việt Nam, những loài này chiếm phần lớn qua biên giới sang các nước láng giềng. Thực tế, tê tê là loài động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới. Khoảng 1 triệu con tê tê đã bị đưa ra khỏi tự nhiên trong vòng một thập kỷ qua.

Ca sĩ Thu Minh được Liên hợp quốc chọn là đại sứ bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu.

 

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, buôn bán động thực vật hoang dã trái phép phớt phớt lờ mọi luật pháp quốc gia và quốc tế và loại tội phạm này đang trên đà phát triển. Điểm mấu chốt của buôn bán loài hoang dã trái phép là nhu cầu tiêu dùng không bền vững về loài hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ loài hoang dã cho các mục đích như thú cảnh ngoại lai, thời trang độc và lạ, biểu tượng để khoe đẳng cấp, các món ăn sang chảnh, để tặng quà. Theo dự báo của các nhà sưu tập và đầu tư thì giá của các mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng lên. Nhu cầu tiêu dùng là động lực thúc đẩy việc săn bắt trộm và gây nuôi các loài hoang dã và cả tội phạm có tổ chức.

“Liên hợp quốc đang thực hiện một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm công nhận buôn bán động thực vật hoang dã là một loại tội phạm nguy hiểm và là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ những thách thức và đang từng bước giải quyết vấn nạn buôn bán động thực vật hoang dã. Liên hợp quốc tại Việt Nam đã và đang hợp tác rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã thông qua rất nhiều các sáng kiến đa dạng”, TS Pratibha Mehta cho hay.

Bắt giữ vụ vận chuyển động vật hoang dã.

 

Tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã ngày càng manh động

Chia sẻ thông tin về hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng Công an Việt Nam về bảo vệ động thực vật hoang dã, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, đấu tranh chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã đã luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Mức hình phạt đối với tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã ở Việt Nam đã được tăng lên trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2016. Theo đó, chỉ cần sở hữu một miếng sừng tê giác mà từ trước đến nay người dân vẫn “thần thánh hóa” công dụng chữa bệnh cũng có nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc bị phạt tù. Mức phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã là tù 15 năm và 2 tỷ đồng tiền phạt; còn đối với các tổ chức thương mại là 15 tỷ đồng tiền phạt và bị đình chị hoạt động kinh doanh vĩnh viễn.

Một vụ buôn lậu ngà voi bị bắt giữ.

 

Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bộ Công an đã thành lập các lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã như: Cảnh sát môi trường; Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, có chức năng đấu tranh chống các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động thực vật hoang dã. Bộ Công an tham gia hưởng ứng có hiệu quả các chiến dịch do các tổ chức quốc tế và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol phát động….

“Tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã ở Việt Nam rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng hoạt động nuôi sinh trưởng để hợp thức hóa giấy tờ nhằm che dấu hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép động vật thực hoang dã. Thậm chí, một số vụ những đối tượng buôn bán động thực vật chống đối quyết liệt lực lượng thi hành công vụ khi bị bắt giữ. Hiện nay, Việt Nam đang dần chuyển thành điểu trung chuyển của tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã ở ASEAN. Việc buôn bán động vật hoang dã cũng là nguồn gốc lây lan nhiều dịch bệnh nguy hiểm”, Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh