THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:08

Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất giải pháp giảm học luân phiên

 

Hiện nay, dân cư tại một số địa bàn ở khu vực Hà Nội có số trẻ đến tuổi đi học rất đông mà trường, lớp không phát triển kịp nên một số trường tiểu học đã tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu cho phép và phải cho học sinh học luân phiên. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều gia đình khi ngày thường học sinh được nghỉ; ngày thứ Bảy, học sinh phải đến trường.

Để tìm hiểu phương hướng khắc phục tình trạng học luân phiên cũng như xây dựng cơ sở vật chất trường học trên địa bản thủ đô, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội).

 

 Ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội)


PV: Để giải quyết thực trạng học luân phiên, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra giải pháp nào và việc thực hiện đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quý: Tại các khu vực nội thành, khu chung cư, đô thị ở Hà Nội, số lượng người dân đến sinh sống rất đông và có con đến độ tuổi đi học cấp Tiểu học tăng nhanh. Tuy nhiên, số lượng trường học không đáp ứng kịp dẫn đến sĩ số ở các trường tiểu học rất đông (trên 50 học sinh/lớp), tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao.

Vì công tác phổ cập giáo dục tiểu học nên dù có khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, các trường vẫn phải tiếp nhận học sinh trái tuyến để tất cả học sinh đến độ tuổi đi học đều được đến trường.

Với thực trạng thiếu cơ sở vật chất, từ nhiều năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, HĐND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thường xuyên động viên các tổ chức, cá nhân ưu tiên đầu tư xây dựng các trường tiểu học tư thục nhằm giảm tải sĩ số ở các trường công lập.

Với đề xuất và tham mưu của Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đến giải quyết cơ sở vật chất, trường lớp cho các trường tiểu học. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo các khu chung cư, đô thị mới buộc phải có quy hoạch xây dựng trường học. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện tìm quỹ đất để xây dựng trường học cũng như có phương án cải tạo, nâng cấp xây dựng trường lớp.

Các quận, huyện nên rà soát, tìm kiếm quỹ đất để xây trường học

PV: Vì sĩ số ở một số trường Tiểu học tăng lên nhiều so với quy định nên các trường đã phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng về chất lượng học tập, sức khỏe của con. Vậy Sở GD-ĐT Hà Nội giải quyết thực trạng này ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quý: Vì sĩ số lớp học quá đông nên nhiều trường tiểu học không còn phòng cho học sinh học và buộc phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên.

Đối với các trường tiểu học phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD-ĐT các quận, huyện và nhà trường bố trí việc giảng dạy, học tập luân phiên một cách khoa học, hợp lý giữa các khối lớp. Ngoài ra, việc nhà trường sắp xếp học luân phiên phải đảm bảo chất lượng giảng dạy và an toàn cho học sinh.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện nhanh chóng tìm quỹ đất, xây dựng thêm trường lớp mới cũng như có những giải pháp hữu hiệu để nhanh chóng chấm dứt tình trạng học tập, nghỉ học luân phiên ở các trường.

Sở GD-ĐT Hà Nội luôn mong muốn mở rộng, phát triển trường tiểu học ngoài công lập. Điều này sẽ góp giảm bớt sĩ số lớp học ở trường công lập; đồng thời giảm bớt chi phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho các trường công lập.

Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội có 41 trường tiểu học ngoài công lập tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Còn trường tiểu học ngoài công lập ở khu vực ven đô rất ít.

PV: Để giảm tải số lượng học sinh trái tuyến, có nhiều ý kiến cho rằng, các trường tiểu học phải có sự đồng đều về chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất. Ý kiến của Sở GD-ĐT Hà Nội về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quý: Nguyên nhân khiến cho có sự quá tải trong tuyển sinh đầu cấp tiểu học ở một số trường trong nội thành Hà Nội và có hiện tượng trường có nhiều học sinh hay vẫn còn trường chưa thu hút phụ huynh cho con học ở đó là do chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, uy tín của các trường còn có sự chênh lệch.

Để giảm tải số lượng học sinh trái tuyến, quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội là luôn mong muốn các cấp, ngành và địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất ở các trường được đồng đều. Về công tác chuyên môn, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các trường tiểu học nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đối với các khu chung cư, đô thị mới, Sở GD-ĐT Hà Nội đã và sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện, chú trọng chỉ đạo khi quy hoạch, xây dựng các khu chung cư thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc xây dựng trường tiểu học.

Đối với các khu chung cư đã xây dựng từ nhiều năm nay nhưng lại thiếu trường học thì Sở GD-ĐT Hà Nội cũng sẽ tham mưu với các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát lại cũng như tạo mọi điều kiện để tìm kiếm quỹ đất nhằm phục vụ cho việc xây dựng trường học.

Còn ở những quận trong nội thành Hà Nội không còn quỹ đất để xây dựng trường học thì Sở GD-ĐT Hà Nội đã và đang có chủ trương tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện cho phép trường tiểu học được nâng tầng và có thể xây dựng nhiều tầng, cho học sinh đi cầu thang máy...

PV: Xin cảm ơn ông!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh