THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:40

Sinh viên thuê nhà trọ: Tránh “tiền mất, tật mang”

Tân sinh viên tìm nhà trọ.

Tân sinh viên tìm nhà trọ.

Sinh viên thuê nhà trọ: Tránh “tiền mất, tật mang”

Trước mỗi mùa nhập học, nhu cầu thuê phòng trọ của tân sinh viên tăng cao, kéo theo giá cả tăng khiến sinh viên càng khó khăn, chật vật; nhiều em sa vào bẫy nhà trọ “ảo” để rồi "tiền mất, tật mang".

Giá phòng trọ tăng từng ngày

Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm được coi là cao điểm của việc tìm thuê phòng trọ, vì đây là thời gian nhập học của tân sinh viên. Do vậy, việc tìm nhà trọ vô cùng khó khăn bởi nhu cầu lớn và giá phòng tăng nhanh.

Theo khảo sát giá thuê phòng trọ tại một số khu vực như: Mỹ Đình, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Hồ Tùng Mậu... tăng cao so với năm 2022. Cụ thể, phòng trọ khép kín có giá từ 3 - 5 triệu đồng/tháng với diện tích khoảng 20m2 - 25m2, chung cư mini 5,5 - 8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ giá phòng tại nội thành tăng mà một số khu vực ngoại thành như: Gia Lâm, Hoài Đức... giá thuê cũng tăng nhẹ. Nếu như trước đây chỉ 2 - 3 triệu đồng là thuê được một phòng trọ khép kín khoảng 20m2, thì hiện nay với giá như vậy, để tìm được một phòng trọ là vô cùng vất vả. Loại phòng trọ giá dưới 2 triệu đồng cũng có nhưng không khép kín, sử dụng nước giếng khoan, nhà cấp 4 chật hẹp...

 

Chẳng những giá phòng trọ tăng mà giá tiền điện, nước... cũng leo thang khiến nhiều sinh viên “méo mặt” với túi tiền của mình.

Hoàng Hải, 20 tuổi, sinh viên năm 4, thuê trọ tại một khu nhà ở phường Mỹ Đình 1 cho biết, tháng 7, tiền nước 80.000 đồng/người, tiền điện 3.500 đồng/số, tháng 8 tiền nước tăng 100.000 đồng/người, tiền điện 4.000 đồng/số. Thắc mắc với chủ nhà được biết, đây là giá tăng chung cả khu vực.

Cực chẳng đã, Hải và bạn cùng phòng chấp nhận việc tăng giá, bởi việc chuyển phòng trọ vào mùa cao điểm là điều không dễ dàng.

Mất tiền oan vì nhà trọ "ảo"

Nhiều phụ huynh, tân sinh viên sốt ruột muốn thuê được phòng trọ một cách nhanh chóng nên chủ động tìm qua mạng xã hội, do vậy nhiều đối tượng đã ăn cắp hình ảnh, thông tin phòng trọ trên mạng xã hội để đăng tải với mục đích lừa đảo tiền cọc nhà.

Sau khi chốt được giá thuê phòng qua mạng, đối tượng yêu cầu người thuê phải đóng tiền cọc để giữ phòng. Mỗi khách hàng sẽ phải đặt cọc từ 500.000 - 2 triệu đồng, thế nhưng đây chỉ là địa chỉ ảo, không có thật. Chỉ khi cận ngày nhập học,  phụ huynh, sinh viên đến nhận phòng theo địa chỉ mới tá hỏa khi biết mình bị lừa.

Anh Xuân Trung (Yên Bái) cho biết, năm nay con gái đầu của anh xuống Hà Nội nhập học, xác định tìm phòng trọ trong giai đoạn này rất gian nan nên ngay từ đầu tháng 8, anh lên mạng xã hội tìm phòng và đặt cọc 2 triệu đồng thông qua một tài khoản facebook. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày đặt cọc số điện thoại của người đăng tải cho thuê phòng trọ đã không liên lạc được. “Sốt ruột, tôi xuống Hà Nội theo địa chỉ đã cho thì được biết phòng này có người thuê rất lâu rồi và tên chủ nhà trọ không đúng với thông tin trên mạng", anh Trung buồn bã nói.

Cũng tìm nhà trọ qua mạng xã hội, Thu Thủy, sinh viên năm nhất Trường Đại học Công đoàn lại nhận được căn phòng không như hình ảnh đăng tải. Thủy chia sẻ: “Họ gửi cho em video hình ảnh phòng trọ mới xây, có giường, tủ quần áo. Do không có nhiều thời gian cũng như đang cần gấp nên em đã chuyển 1,5 triệu đồng tiền cọc, nhưng khi nhận phòng mới tá hỏa vì phòng đã cũ, lại chẳng có vật dụng gì. Tiếc tiền cọc, em chấp nhận vào ở".

Chủ một nhà trọ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, từ giữa tháng 8 đến tháng 10, số lượng học sinh, sinh viên tìm thuê trọ rất đông. Trung bình một ngày hơn chục em đến hỏi thuê phòng. "Nhiều lần tôi tá hỏa vì sinh viên tìm đến nhận phòng trong khi tôi không hề đăng cho thuê trọ lên mạng xã hội”, chủ nhà trọ nói.

Sinh viên cảnh giác kẻo mất tiền oan vì nhà trọ ảo.

Sinh viên cảnh giác kẻo mất tiền oan vì nhà trọ "ảo".

Nâng cao cảnh giác

Thực trạng lừa đảo bằng việc đăng tải hình ảnh nhà cho thuê qua mạng xã hội và yêu cầu phải chuyển ngay tiền cọc qua số tài khoản để giữ chỗ ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, phụ huynh, sinh viên có nhu cầu thuê trọ cần nâng cao cảnh giác.

Để tránh bị lừa đảo, sinh viên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ đoàn, hội, phòng công tác sinh viên. Bởi, thông tin nhà trọ được đoàn, hội sinh viên thu thập từ tổ dân phố, công an, đoàn thể địa phương hoặc đã khảo sát trực tiếp nên sinh viên có thể tin tưởng. Nếu tự tìm nhà trọ, sinh viên nên đến trực tiếp, hỏi người thuê trước hoặc hàng xóm thông tin về chủ nhà, an ninh, xem xét kỹ khoảng cách di chuyển đến trường và điều kiện xung quanh trước khi quyết định đặt cọc.

Các chuyên gia lưu ý, sinh viên nên chọn khu vực có an ninh tốt khi tìm thuê trọ. Nếu phòng tốt mà giá rẻ bất thường cần tìm hiểu kỹ hoặc gặp trực tiếp chủ trọ yêu cầu được ký hợp đồng khi thuê, thay vì qua môi giới, trung gian hay mạng xã hội. Đồng thời, khi quyết định ký hợp đồng thuê trọ, sinh viên cần đọc kỹ điều khoản, chú ý chi phí như: Điện, nước, internet, gửi xe, vệ sinh môi trường, sửa chữa đồ dùng… Trường hợp ở ghép, nên có sự thỏa thuận, thống nhất với người ở cùng về các chi phí sinh hoạt…

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh