THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:35

“Siêu kình ngư” mỗi ngày bơi 20km

Sinh ra để bơi

Thi đấu ở nội dung khắc nghiệt nhất của môn bơi là tự do 1.500m, ít ai biết một VĐV như Nguyễn Huy Hoàng phải tập luyện gian khổ thế nào.

Chàng trai quê Quảng Bình dành phần lớn thời gian trong một ngày cho việc bơi lội. Anh thường dậy từ lúc 5-6 giờ sáng để chuẩn bị, sau đó xuống nước bơi tới khi mặt trời đứng bóng. Buổi trưa được nghỉ ít phút, Huy Hoàng lại xuống hồ bơi vào lúc 1 giờ 30 phút chiều và chỉ kết thúc ngày tập luyện khi trời nhá nhem tối. Mỗi buổi Huy Hoàng bơi ít nhất 10km, có hôm tập thêm giáo án phải bơi tới 14 - 15km. Tính cả ngày, anh bơi ít nhất 20km, tức là 400 lượt trên bể 50m.

Sinh ra là để bơi và càng bơi Hoàng càng thấy mê môn thể thao này. Đó có lẽ là bí quyết để VĐV sinh năm 2000 vượt qua được những buổi tập chẳng khác nào tra tấn thể lực. "Có lẽ tôi và các VĐV ở trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (HLTTQG) Cần Thơ là những người bơi nhiều nhất Việt Nam. Bơi nhiều cũng trở thành quen, không bơi lại nhớ, vì thế mà tôi luôn tìm thấy sự hào hứng mỗi khi xuống nước", Huy Hoàng chia sẻ.

“Siêu kình ngư” mỗi ngày bơi 20km - Ảnh 1.

Cảm giác giành vé Olympic khác xa HCV SEA Games: Nguyễn Huy Hoàng là VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé dự Thế vận hội, đạt chuẩn A ở 2 nội dung 800m và 1500m tự do. Biết tin, Huy Hoàng đã rất hạnh phúc, vì được dự Olympic là ước mơ lớn nhất của mình. Bố mẹ của Hoàng khi được con báo tin cũng đã bật khóc. Dù Hoàng đã giành nhiều HCV SEA Games, nhưng chưa bao giờ gia đình lại tự hào về con như thế.

"Mình không có nhiều lợi thế về thể hình, thể lực so với các đối thủ quốc tế nên tôi luôn xác định phải nỗ lực, cố gắng gấp đôi, gấp ba để vượt qua chính mình, có thể chinh phục và làm chủ được đường đua xanh".

Với một người bình thường, bơi liên tục 1 - 2km đã khó, nhưng với Huy Hoàng mỗi ngày "nuốt" 20 - 25km là chuyện bình thường. Có chút tiếc nuối và cũng là thiệt thòi khi dù là VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé tới Olympic, nhưng hơn 1 năm qua do dịch Covid-19 nên Huy Hoàng không thể ra nước ngoài tập huấn, được thi đấu ở các giải quốc tế để cọ xát với các đối thủ mạnh.

Bữa ăn của "siêu kình ngư"

Dù không thể tập huấn ở nước ngoài, nhưng cũng không ảnh hưởng tới chuyện tập luyện của anh ở trung tâm. Thậm chí dịch lại giúp các VĐV tập trung hơn, khi tất cả "nội bất xuất, ngoại bất nhập", không bị ảnh hưởng bởi những chuyện bên lề.

Thông tin VĐV:

- Họ tên: Nguyễn Huy Hoàng

- Ngày sinh: 10/7/2000

- Quê quán: Tuyên Hóa (Quảng Bình)

- Đơn vị: Trung tâm HLTTQG

- Cự ly sở trường: 800m tự do, 1.500m tự do

- Thành tích nổi bật:

3 HCV SEA Games

1 HCB, 1 HCĐ ASIAD

1 HCV Olympic trẻ thế giới

Tấm vé dự Olympic 2021

Ngoài các bài tập dưới nước, mỗi tuần Huy Hoàng được tập thêm 3 buổi về thể lực để phát triển đều các nhóm cơ. Trong suốt nhiều năm, chàng trai lớn lên bên bờ sông Gianh (Quảng Bình) bỏ lại phía sau những cuộc vui, những trò chơi của bạn bè cùng lứa, để dồn sức cho việc tập luyện, thi đấu, để được bước lên bục nhận giải trong tiếng Quốc ca tự hào và hạnh phúc.

"Cả Trung tâm HLTTQG Cần Thơ có khoảng 40 VĐV bơi ở các lứa tuổi, các nội dung. Tập luyện vất vả nên tất cả luôn động viên nhau vượt qua. Cá nhân tôi cũng được HLV Nguyễn Hoàng Vũ và chuyên gia Trung Quốc Hoàng Quốc Huy dành sự quan tâm. Các thầy nói cứ cố gắng tập luyện rồi cơ hội sẽ tới", Huy Hoàng cho biết.Gắng sức tập luyện, tuy nhiên như đã nói, do Huy Hoàng không được ra nước ngoài tập huấn nên cũng chịu nhiều thiệt thòi. Dù là VĐV trọng điểm, là 1 trong 5 VĐV Việt Nam có vé chính thức tới Olympic, nhưng chế độ ăn cũng không có gì đặc biệt.

Được biết, Huy Hoàng sau mỗi buổi tập vẫn ăn chung cùng các VĐV bơi lội, với chế độ ăn ngang bằng như các VĐV khác. Các bữa ăn chủ yếu thịt, tôm, cá, sữa, hoa quả… Dù đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, nhưng nếu so với các VĐV được đầu tư như Ánh Viên thì chưa bằng. Thời đỉnh cao khi tập luyện tại Mỹ, mỗi bữa Ánh Viên ăn 20 con tôm sú, 1kg thịt bò, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa… chưa kể thuốc bổ, thực phẩm bổ sung…Huy Hoàng không chạnh lòng khi được so sánh về khẩu phần ăn với đàn chị, bởi mình đang tập luyện ở Việt Nam thì theo chế độ của thể thao Việt Nam, muốn hơn cũng khó.

“Siêu kình ngư” mỗi ngày bơi 20km - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Vinh (bố của Huy Hoàng) bên thành tích của con trai.

Khó khăn đủ thứ, nhưng bằng sự kiên trì, vươn lên và đặc biệt là sự giúp sức của các thầy, thông số về thành tích của Huy Hoàng mang tới nhiều tín hiệu khả quan. Huy Hoàng tự tin cho biết, để cạnh tranh huy chương Olympic là khó, nhưng cố gắng hết sức để hoàn thành mục tiêu vào tới chung kết để nằm trong top 8.

Cả năm mới về nhà một lần

Ông Nguyễn Văn Vinh (bố của Huy Hoàng) cho biết: "Gia đình sống bằng nghề chài lưới trên sông Gianh và nuôi bè cá lồng. Hoàng là con út trong nhà, đam mê bơi lội từ nhỏ. Học xong lớp 5, đang kỳ nghỉ hè, các chuyên gia bơi lội về địa phương tuyển, trong đó cháu được chọn rồi cho đi học và tập luyện luôn. Thời điểm đó, Hoàng chỉ nghĩ đăng ký bơi cho vui chứ không thể hình dung có ngày mình trở thành VĐV chuyên nghiệp. Từ đó, Hoàng xa nhà, mỗi năm chỉ về nhà dịp Tết âm lịch, rồi lại xách ba lô đi.

Sau 2 năm được huấn luyện tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT tỉnh Quảng Bình, Hoàng chuyển vào TP.HCM rồi đến Trung tâm HLTTQG ở Cần Thơ để tiếp tục tập luyện. Tại giải vô địch các nhóm tuổi trẻ môn bơi lội Đông Nam Á năm 2015 tổ chức tại Đà Nẵng, Nguyễn Huy Hoàng nổi lên như "hiện tượng của bơi lội Việt Nam", xuất sắc giành 5 tấm HCV các nội dung 400m tự do, 1.500m tự do, 200m bơi bướm, 200m bơi sải và bơi tiếp sức 4x100m; đồng thời phá kỷ lục lứa tuổi ở các nội dung bơi 200m bướm, 400m tự do và 1.500m tự do.

“Siêu kình ngư” mỗi ngày bơi 20km - Ảnh 4.

Hoàng đã trích 1 phần tiền thưởng sau Sea Games 30 tặng Mái ấm Hướng Phương (Quảng Trạch).

"Dù Hoàng tham gia đội tuyển thi đấu, nhưng ngày nào cháu cũng gọi điện về hỏi thăm gia đình và nói mọi người không phải lo cho con. Qua điện thoại cũng chỉ nói được đôi câu, vì cháu không có thời gian", ông Vinh nói về con.

Tiếng là VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam, nhưng thu nhập của Nguyễn Huy Hoàng cũng chỉ trông chờ vào tiền công tập và thành tích thi đấu quốc tế, trong nước. Sau SEA Games 30, Hoàng đã trích một phần tiền thưởng của mình để tặng Mái ấm Hướng Phương (Quảng Trạch), nơi các sơ đang nuôi dưỡng 115 trẻ em (hầu hết bị khuyết tật, bại não, khiếm thị, khiếm thính và mồ côi).

"Đây là nơi mà tôi luôn dõi theo, san sẻ phần nào thu nhập của mình kể từ khi bắt đầu nghiệp VĐV cũng như kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người. Giúp đỡ được các bé luôn khiến tôi có thêm động lực khi thi đấu. Bởi muốn làm được nhiều điều cho xã hội thì phải làm thật tốt công việc của mình. Vì thế nên mỗi ngày tôi đều đặt mục tiêu là chiến thắng bản thân, cải thiện thành tích để có cơ hội vươn lên tầm châu lục, thế giới", Hoàng chia sẻ.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc của mình, Nguyễn Huy Hoàng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

“Siêu kình ngư” mỗi ngày bơi 20km - Ảnh 5.

 

Quang Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh