THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:57

Siêu dự án sông Hồng: Bộ ngành, địa phương 'gật đầu' những gì?

Những dự án tác động lớn đến sông Hồng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: Hồng Vĩnh.Những dự án tác động lớn đến sông Hồng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

Bộ nào cũng “đồng ý”, nhưng…

Tại văn bản 361, ngày 3/2/2016, Bộ TN&MT thống nhất về sự cần thiết thực hiện dự án cải tạo sông Hồng do Cty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) đề xuất. Tuy vậy, bộ này đề nghị: Cần có đánh giá chi tiết tác động của dự án tới tài nguyên nước trước khi xây dựng các công trình (đập dâng nước, âu tàu, cảng, thủy điện) trên sông Hồng. Bổ sung, làm rõ các tác động của dự án tới môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội trong vùng.

Theo Bộ TN&MT, tài nguyên trong phạm vi thực hiện dự án chủ yếu cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, nếu có hoạt động nạo vét liên quan đến thu hồi khoáng sản, chủ đầu tư phải được các địa phương đồng ý. Ngoài ra, chủ đầu tư cần bổ sung các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt; bổ sung quy hoạch sử dụng đất…

Tại văn bản 1646, ngày 26/2/2016, Bộ Công Thương cho rằng, đây là dự án đa mục tiêu, kết hợp giao thông, thủy điện, thực hiện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) phù hợp chủ trương xã hội hóa của nhà nước. Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương giao Cty Xuân Thiện tiếp tục nghiên cứu để đầu tư xây dựng.

Tuy vậy, bộ này đề nghị Báo cáo đề xuất dự án cần bổ sung nghiên cứu, đánh giá kỹ ảnh hưởng đến tài nguyên, khoáng sản, công trình hạ tầng... trên cơ sở hiện trạng và quy hoạch đã duyệt (trong đó có các dự án thủy điện trên các nhánh của sông Hồng). Đồng thời, đề xuất các cơ chế đặc thù cần thiết khác đảm bảo dự án khả thi.

Trường hợp dự án được đồng ý chủ trương đầu tư, Bộ Công Thương yêu cầu nhà đầu tư lập hồ sơ và trình bộ này xem xét bổ sung các nhà máy thủy điện vào quy hoạch thủy điện và phát triển điện. Trong đó, cần quan tâm đánh giá điều kiện địa chất, thủy văn, quy mô mực nước thượng - hạ lưu, các thông số thủy năng, phương án đấu nối điện, tiến độ dự kiến đưa vào vận hành và hiệu quả kinh tế của các nhà máy thủy điện.

 

Cho ý kiến về dự án cải tạo sông Hồng, Bộ Quốc phòng cũng thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh mà dự án hiện diện, như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai… 

 

Đánh giá dự án cải tạo sông Hồng phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư, nhưng Bộ NN&PTNT (văn bản 1341, ngày 24/2/2016) đề nghị Cty Xuân Thiện phải làm rõ tác động của dự án. Như tác động của dự án tới ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, xói sau công trình; an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi hai bên bờ sông; tác động đến mất cân bằng bùn cát vùng hạ du do lượng bùn cát giữ lại khi có công trình; tác động đến mất đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư khi xây dựng công trình. Ngoài ra, dự án phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông.

Cũng thống nhất về chủ trương và hình thức đầu tư dự án, Bộ Xây dựng lưu ý: Việc xây dựng đập dâng nước và âu tàu kết hợp nhà máy thủy điện tác động nhiều đến môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái sông Hồng, thủy lợi, tiêu thoát lũ... Vì vậy, cần đề ra các phương án giải quyết những phát sinh thực tế, đảm bảo quyền lợi các địa phương trong phạm vi dự án và quyền lợi nhà đầu tư. Cần hài hòa lợi ích phát điện và lợi ích giao thông vận tải thủy, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng lưu ý tới quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Chính phủ vừa phê duyệt tháng 2/2016). Theo đó, khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê phải đảm bảo không gian thoát lũ; việc sử dụng bãi sông phải đảm bảo không gây cản lũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc bị nguy hiểm, tổn thất về người và tài sản khi có lũ lớn. Do vậy, dự án cần giải pháp thiết kế phù hợp với quy định này.

 

Siêu dự án sông Hồng: Bộ ngành, địa phương 'gật đầu' những gì? - ảnh 1Các bộ yêu cầu nhà đầu tư làm rõ những tác động môi trường của dự án cải tạo sông Hồng (Trong ảnh: Lưu vực sông Hồng đoạn chảy qua TP Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

EVN: Chưa đủ cơ sở góp ý về sự cần thiết đầu tư

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng đồng ý chủ trương nghiên cứu đầu tư, khai thác tiềm năng sông Hồng. Nhưng EVN cho rằng, dự án chưa có trong các quy hoạch liên quan, như: Quy hoạch hệ thống bậc thang phát triển điện, quy hoạch tiêu thoát lũ, quy hoạch sử dụng nước… Vì vậy, chủ đầu tư cần trình để các bộ ngành xem xét khả năng bổ sung, điều chỉnh quy hoạch.

Với 6 nhà máy thủy điện dọc tuyến sông Hồng, theo EVN, hồ sơ đề xuất dự án của Cty Xuân Thiện chưa phân tích, đánh giá về điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy văn, đấu nối lưới điện; đánh giá về đảm bảo dòng chảy tối thiểu và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du. Do vậy, EVN chưa đủ cơ sở xem xét góp ý về sự cần thiết đầu tư 6 nhà máy thủy điện, quy mô công suất, sản lượng phát điện và hiệu quả kinh tế - tài chính của các nhà máy thủy điện.

Các địa phương đồng tình

Trong văn bản góp ý về dự án cải tạo sông Hồng, các địa phương bị ảnh hưởng đều cơ bản đồng ý với chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, nhà đầu tư phải xác định rõ vị trí các đập dâng nước trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ địa chất, mức độ ảnh hưởng khi dâng nước, khả năng thoát lũ để đảm bảo an toàn, hiệu quả và đánh giá tác động môi trường.

Ngoài vấn đề môi trường, an toàn, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị thêm: Chủ đầu tư phải có phương án giải quyết những phát sinh, hài hòa quyền lợi cho các nhà đầu tư dọc sông Hồng, như các điểm mỏ cát, sỏi dọc sông đã được tỉnh cấp giấy phép khai thác.

AP (Theo TPO)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh