Lòng sông Hồng sẽ sụt, ngập lụt diện rộng nếu thêm đập
- Tây Y
- 20:03 - 08/05/2016
GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam: Lòng sông sụt nếu chịu thêm đập
Hiện nay lòng sông Hồng đã tụt xuống khoảng 1m so với trước. Nếu làm thêm vài đập nữa, lòng sông sẽ tiếp tục sụt xuống. Điều này có thể dẫn đến hai bên bờ sông và cửa sông bị phá, nước biển có thể xâm lấn gây ngập mặn cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Nếu công ty Xuân Thiện xây dựng 6 đập dâng ở thượng nguồn, chắc chắn ở khu vực hạ nguồn sông từ Hà Nội trở xuống sẽ bị phá hai bên bờ. Hà Nội sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, ăn sâu vào đất liền.
Việt Nam đã có "bài học thực tế" từ việc Trung Quốc làm thủy điện ở thượng nguồn khi trở nên bị phụ thuộc họ rất nhiều về nguồn nước. Nếu không cân nhắc kỹ, vì lợi ích trước mắt sẽ để lại hậu quả khó lường.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần thận trọng với dự án tỷ USD trên sông Hồng
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh: Lợi cho Trung Quốc rất rõ
Cần thận trọng với dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng vì dự án quá tham vọng và có rất nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, với môi trường và đời sống người dân.
Đặc biệt, cần làm rõ việc ngăn lại thành các đập trên sông Hồng sẽ ảnh hưởng đến sinh thái và nguồn nước trồng lúa cho đồng bằng Bắc Bộ.
Theo đó, phải lập Hội đồng độc lập nhà nước và lấy ý kiến của cơ quan tư vấn quốc tế về tác động của dự án chứ không thể đưa ra đánh giá tác động sơ sài rồi để dự án thực hiện.
Trong khi, nếu dự án được triển khai, cái lợi cho Trung Quốc có thể thấy rất rõ vì nó khai thông đường thủy từ Vân Nam (Trung Quốc) đến cảng Hải Phòng, khi đó xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, chúng ta lại nhập siêu nhiều hơn và sẽ trở thành người làm thuê cho Trung Quốc.
Về phương án tài chính, công ty TNHH Xuân Thiện không có khả năng để làm dự án lớn với mức đầu tư 1 tỷ USD. Bởi, xét về số vốn đầu tư, công ty này phải đi vay 70% với lãi suất 4-9% trong vòng 20 năm thì rất khó thực hiện, trong khi nguồn thu của dự án là bán điện và thu phí vận chuyển đường thủy.
Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện là dự án BO nên khi xây dựng xong, họ sở hữu vận hành và thu tiền mãi mãi không bàn giao lại cho nhà nước nên các cơ quan bộ, ngành cần phải có thẩm định cụ thể trước khi cho phép nghiên cứu triển khai dự án.
GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam: Nguy cơ ngập lụt diện rộng
Đã có không ít chuyên gia cho rằng, vị trí địa lý, địa hình của sông Hồng không phù hợp cho việc xây dựng đập, rất dễ gây ra ngập lụt.
Nếu xây dựng các đập như thế, chắc chắn sẽ gây ra ngập lụt trên diện rộng. Hơn nữa, lưu vực đồng bằng sông Hồng chủ yếu do phù sa sông Hồng bồi đắp, tiếp tục làm đập sẽ làm mất phù sa của sông về hạ du.
Bộ ngành thận trọng
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN (Bộ GTVT) Hoàng Hồng Giang:
Dự án mới dừng ở giai đoạn ý tưởng. Chỉ khi nhà đầu tư lập phương án đầu tư và đưa ra các phương án tài chính cụ thể mới đánh giá được.
Vận tải thủy trên sông Hồng đang phát triển. Tới đây khi hoàn thành dự án mở rộng cửa Lạch Giang (Nam Định), các tàu lớn có thể vào được thì vận tải thủy trên sông Hồng sẽ phát triển rất mạnh.
Đặc biệt, nếu kết nối vận chuyển tàu lớn được bằng đường thủy từ Việt Trì (Phó Thọ) lên Lào Cai sẽ góp phần giảm tải được phương tiện đường bộ và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.
Lúc đó, vận tải thủy từ Hà Nội lên Lào Cai sẽ rất tốt, tạo sự thuận tiện thông thương hàng hòa qua vận tải thủy từ Trung Quốc sang.
Về dự án do công ty NTHH Xuân Thiện trong phương án đầu tư có tính đến phương án thu phí vận chuyển đường thủy, muốn phát triển được vận tải thủy từ Phú Thọ lên Lào Cai phải có công trình đập cho nước dâng thì tàu trọng tải lớn mới có thể đi được.
Trong điều kiện vốn ngân sách không có để đầu tư như hiện nay thì phải để tư nhân đầu tư và họ thu hồi bằng phí vận chuyển.
Tuy nhiên, những phân tích trên mới chỉ dựa trên góc độ vận tải thủy. Khi xem xét phương án khả thi của dự án nhà đầu tư đề xuất còn phải tính đến những vấn đề phát triển đập thủy điện, phát điện kiểu gì và thu được bao nhiêu.