Siết dòng tín dụng chảy vào bất động sản
- Huyệt vị
- 23:41 - 01/03/2018
“Núp bóng” vay tiêu dùng
Báo cáo tổng quan thị trương tài chính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho thấy, năm 2017 tín dụng cả nước ước tăng khoảng 18,7 - 19,3%, tương đương với mức 19% của năm 2016. Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng rất mạnh từ cuối năm 2015 đến nay. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2017 là 65% (năm 2016 tăng 50,2%. Với con số này, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nâng từ mức 12,3% lên 18%.
Trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính (52,9%) và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%.
Thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đã tăng mạnh từ 39% lên 45,7%. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng.
NFSC dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trưởng cao và nhận định đây vẫn là một trong những mảng hoạt động "tiềm năng và chiến lược" của các Tổ chức tính dụng .
Tuy nhiên, Ban Kinh tế Trung ương cảnh báo mức tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM có quy mô tiêu thụ khoảng 60 - 70 nghìn căn hộ/năm, tương ứng khoảng 8 - 9 tỷ USD. Với tỷ lệ vay vốn ngân hàng thường phổ biến ở mức 50 - 70% tổng giá trị căn hộ, có thể thấy phần đáng kể trong các khoản vay mua nhà được chảy vào thị trường nhà đất, vốn luôn tiềm ẩn yếu tố đầu cơ ở mức cao.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cảnh báo, đang có hiện tượng ngân hàng “đẩy” tín dụng tiêu dùng (trong đó có tín dụng bất động sản) sang công ty tài chính và điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Năm 1997, tại Trung Quốc và Thái Lan, hàng loạt công ty tài chính (kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay bất động sản) đã đổ bể.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, cần phải xem xét lại về mặt số liệu cho vay tiêu dùng. Theo tính toán của chuyên gia này, cho vay tiêu dùng năm 2017 chỉ tăng khoảng 30%.
“Ngoài ra, cũng cần phải định nghĩa đúng về cho vay tiêu dùng. Theo tôi, không nên tính cho vay mua nhà vào cho vay tiêu dùng, bởi đây là một khoản đầu tư, chứ không hẳn là khoản tiêu dùng. Riêng vay để sửa hay thuê nhà ở có thể được tính là vay tiêu dùng. Về lâu dài, cần bóc tách cho vay mua nhà ra khỏi cho vay tiêu dùng để cơ quan quản lý dễ nhận diện rủi ro hơn”, ông Lực đề xuất.
Hạn chế nợ xấu
Trước tình trạng các ngân hàng "lách" cho vay bất động sản khi đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Công văn số 563 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.
“Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro”, NHNN nêu rõ.
NHNN cũng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chia sẻ thêm về việc đưa ra thông điệp nêu trên ngay từ đầu năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, giải thích: Trong năm 2017 vừa qua, tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro như chứng khoán, BĐS… đã được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của nhà quản lý. Song NHNN vẫn chủ động yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ, kể cả tín dụng vào lĩnh vực tiêu dùng để giảm thiểu nợ xấu.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong kinh doanh bất động sản năm 2017 tăng 8,56% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 6,53% dư nợ nền kinh tế. Tín dụng lĩnh vực này tương đương khoảng 400.000 tỷ đồng. Trong khi đó tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng khoảng 7,43%, chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng. Con số này tương đương khoảng 92.000 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng gần đây tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng tăng trưởng rất nóng. Đáng lo ngại hơn là các ngân hàng đã đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng nhằm lách quy định hạn chế cho vay bất động sản.