Sẽ không khôi phục phát ấn đền Trần vào lúc nửa đêm
- Văn hóa - Giải trí
- 00:00 - 22/01/2019
Theo ANTĐ, lễ khai ấn đề Trần đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường) với ý nghĩa phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời thu hút khách thập phương về dự lễ hội.
Chương trình Lễ hội bắt đầu từ ngày 11 tháng Giêng (15-2-2019) với Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ cùng các nghi lễ tại chùa Phổ Minh, đền Thiên Trường. Ngày 12 tháng Giêng là lễ rước Nước, tế Cá từ đền Cố Trạch rước về đền Thiên Trường.
Đêm khai ấn diễn ra từ 22h40, mở đầu là Lễ dâng hương do UBND TP Nam Định chủ trì. Lễ rước kiệu ấn từ 22h40 đến 23h10. Lễ rước kiệu ấn bắt đầu từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường.
Biển người trong đêm khai ấn ở đền Trần, phường Lộc Vượng, Nam Định
Nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23h15. Sẽ có 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng, cùng đại diện một số ban ngành đoàn thể vào nội cung chứng kiến Lễ đóng ấn (14 cánh ấn trên giấy vàng). Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Phổ Minh, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường…
Sau nghi lễ chính, từ 23h55 trở đi mới mở cửa đền cho người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm.
5h sáng ngày 15 tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa.
Trước đó Vnexpress đưa tin, chiều 18/1 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần (Nam Định) bày tỏ, sáu năm nay đền chỉ phát ấn từ sáng, không phát vào nửa đêm, hạn chế được tình trạng tranh giành, chen lấn. Nhưng hiện nay các cụ già địa phương mong muốn khôi phục nghi lễ phát ấn vào nửa đêm cho đúng truyền thống.
"Tuy nhiên, Ban tổ chức phải chịu sức ép rất lớn vì lượng khách tập trung đông đặc trong khuôn viên đền vào một thời điểm vì coi đó là giờ thiêng", ông Bình chia sẻ lo lắng nếu khôi phục nghi thức phát ấn nửa đêm.
Trong đêm khai ấn, chủ lễ phát lộc cho người dân hoặc du khách tự mang vào rồi mang ra, nhưng thường bị "hiểu nhầm là cướp lộc trong cung". "Những hành vi quá khích như trèo lên ban thờ, rút bảo kiếm, đốt hương nghi ngút... là do một số người lợi dụng đám đông để tuyên truyền đạo lạ", ông Bình nói.
Đáp lại, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng hiện nay chưa thể khôi phục lễ phát ấn vào nửa đêm vì khó đảm bảo an ninh trật tự.
Phó chánh Thanh tra Bộ, ông Phạm Xuân Phúc nói thêm khi đền Trần phát ấn vào nửa đêm thì năm nào cũng hỗn loạn, có người bị ngất, bị thương phải khiêng qua tường cấp cứu. Năm 2011 có 26 người bị thương do tranh cướp ấn. "Đây là lễ hội truyền thống, nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều nên không thể phát ấn đền Trần vào nửa đêm được nữa", ông Phúc khẳng định.