CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:09

Đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ lao động huyện nghèo đi XKLĐ

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đón lao động huyện nghèo về nước tại Sân bay Nội Bài

LĐ huyện nghèo có thể làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc...

*Xin Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về XKLĐ tại các huyện nghèo?

-  Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 24/9/2009 với mục tiêu “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng NLĐ ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững”. Sau hơn 5 năm thực hiện đã khẳng định chủ trương đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài là hoàn toàn đúng đắn và khả thi. Lao động các huyện nghèo có thể đến làm việc tại tất cả các thị trường, từ thị trường dễ tính đến thị trường có yêu cầu cao về chất lượng lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Lần đầu tiên chúng ta đã đào tạo và đưa được một số lượng lớn lao động là người dân tộc ra nước ngoài làm việc. Cụ thể, đã có 18.500 lao động được tuyển chọn để đào tạo và gần 10.000 lao động đã được đưa đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út... trong 95% là người nghèo và người dân tộc. Người lao động các huyện nghèo đi làm việc đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng từ 5-7 triệu đồng/ tháng ở thị trường Malaysia, 6,5-7,5 triệu đồng/tháng ở thị trường Lybia, UAE, Ả rập xê út, Ma Cao, 15-22 triệu đồng/tháng ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đến nay, đã có nhiều lao động hoàn thành hợp đồng về nước và đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của gia đình và địa phương, góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức của NLĐ, thay đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khaii Quyết định 71 vẫn còn những tồn tại, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Đúng vậy, qua quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục, cụ thể: Về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện: Một số chính sách qui định chưa phù hợp như qui định về hỗ trợ đi lại cho NLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia Đề án, chưa qui định qui chế ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp và NLĐ khi tham gia Đề án, chưa có cơ chế khuyến khích khen thưởng đối với doanh nghiệp thực hiện tốt; Qui trình tổ chức hỗ trợ chưa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động; Các thông tin tuyên truyền chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, tâm lý, trình độ, phong tuc tập quán cũng như văn hóa khi phần lớn đối tượng là người dân tộc thiểu số; Các cơ quan Trung ương và địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Đề án, công tác kiểm tra, giám sát còn bất cập, chưa bám sát địa phương, doanh nghiệp nên đã không phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc xảy ra với NLĐ, doanh nghiệp tham gia Đề án, lực lượng cán bộ làm công tác XKLĐ ở cấp huyện rất mỏng nên công tác XKLĐ không được thực hiện thường xuyên; Chậm đề xuất mô hình tổ chức thực hiện phù hợp với đặc thù của đối tượng lao động thuộc các huyện nghèo.

Về việc tham gia của NLĐ và doanh nghiệp, bên cạnh một số doanh nghiệp đã tham gia Đề án, còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được ý nghĩa của Đề án, trách nhiệm xã hội còn hạn chế nên chưa tham gia Đề án. Một số doanh nghiệp tham gia Đề án cũng chưa ý thức hết được sự khó khăn, phức tạp nên việc tuyển chọn, đào tạo lao động các huyện nghèo chưa được đầu tư và tổ chức thực hiện đúng qui định, qui trình, còn để xảy ra những rủi ro, bất lợi cho NLĐ và ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án tại địa phương; Ngoài những hạn chế về trình độ văn hóa, tay nghề thì những hạn chế về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, sức khỏe của NLĐ cũng là những rào cản lớn trong quá trình tổ chức thực hiện. Ví dụ như tỉ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng sơ tuyển là 33,5%, tỉ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng tuyển chính thức để đi làm việc ở nước ngoài là 16,8%; Do ảnh hưởng của phong tục tập quán và văn hóa, những lao động là người dân tộc chưa quen và khó chấp nhận cuộc sống xa gia đình, chưa sẵn sàng thích ứng với nhịp sống và làm việc trong khuôn khổ tổ chức, quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ là động cao, khẩn trương.

Vì vậy, tỉ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo khá cao, trung bình 18%, một số địa phương có tỉ lệ lao động bỏ học rất cao như Phú Thọ (59%), Lâm Đồng (44%), Nghệ An (29%). Cá biệt có địa phương như Đakrông- Quảng Tri, Tân Sơn- Phú Thọ, Mường Nhé- Điện Biên tỉ lệ bỏ của một khóa đào tạo lên tới 60-70%. Tỉ lệ bỏ không xuất cảnh sau khi được đào tạo trung bình 21%, tỉ lệ xin về nước sau khi xuất cảnh cũng cao hơn nhiều so với tình hình chung.

Đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ DN và NLĐ

* Vậy Bộ LĐ-TB&XH sẽ có giải pháp lớn gì để thúc đẩy thực hiện và nâng cao hiêu quả Đề án này trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

- Để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế triển khai Đề án, cụ thể là sửa đổi số nội dung trong Quyết định 71 và các văn bản hướng dẫn. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa qui trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp tham gia Đề án. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền về những điển hình thành công của Đề án để nhân rộng tới các huyện nghèo. Lựa chọn và nhân rộng các mô hình tuyển chọn, đào tạo gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thanh Huyền (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh