THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:15

Sau tiết canh chay, liệu có thịt chó chay?

 

Món tiết canh chay gây phản cảm đang được lan truyền trên mạng xã hội.

 

Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối

Bức ảnh được chụp là tờ thực đơn của nhà hàng chay. Nhìn bề ngoài, rất khó phân định được đó là món chay nếu như họ không liệt kê thành phần nguyên liệu. Bởi từ cách trình bày, màu sắc đều rất giống với món tiết canh thật. Các nguyên liệu để làm nên "món chay phàm tục" này - như cách gọi của cộng đồng mạng xã hội - gồm: Củ dền, rau câu, hành tây, mề chay, rau răm, đậu phộng... Trong đó, củ dền là nguyên liệu làm nên màu đỏ đặc trưng của món tiết canh.

Nói về việc ăn chay, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Ăn chay là để tuyệt thói tham ăn phàm tục của con người, thể hiện lòng từ bi với vạn vật chúng sinh. Từ đó, nuôi dưỡng lòng nhân từ theo đạo Phật nói chung. Ngày nay, rất nhiều phật tử tại gia cũng tuân thủ việc ăn chay vào ngày Rằm, mùng 1. Thậm chí, ăn chay trường để giữ căn tâm trong sạch. Thế nhưng, nếu ăn chay mà lại là "giả mặn" thì hiệu quả bằng không. Ngược lại, nó rất phản cảm và phản tác dụng".

Để giải thích về điều này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói: Trong ngũ giới của đạo Phật thì nói dối chính là một trong 5 trọng tội, nghiêm cấm các tăng ni phật tử vi phạm. Việc "ăn chay giả mặn" tuy chỉ là để đánh lừa cảm giác, giác quan, giúp người ta ăn ngon miệng hơn, nhưng thực chất, nó chính là sự lừa dối tâm tính của con người. Nghĩa là tuy ăn chay nhưng mắt, suy nghĩ thì vẫn hướng người ta nghĩ tới các món từ thịt. Nếu trong lòng còn nghĩ đến các món mặn như thế thì thà ăn thật còn hơn.

Người xưa có câu "ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối". Cho nên, Phật giáo cổ truyền và các bậc chân tu không ai ăn chay giả mặn cả. Trong Giáo hội của chúng tôi cũng vậy, tất cả các món ăn đều chế biến đúng chất chay, không giả mạo hình thù của gà, cá, nem, chả... Nó không chỉ phản cảm mà còn thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi các nguyên liệu để làm giả đều dùng các phụ gia độc hại. Ở rất nhiều ngôi chùa tôi biết, họ trồng rau, có máy làm đậu phụ để không phải mua ở chợ vì lo ngại thực phẩm bẩn".

Đã loại bỏ món tiết canh chay khỏi thực đơn

Trả lời trên một tờ báo về món tiết canh chay, đại diện nhà hàng này giải thích rằng, đó là do sự đòi hỏi từ phía các thực khách, vì ưa chuộng món này nhưng lại không muốn ăn tiết canh từ động vật mà muốn ăn tiết canh từ thực vật.

Từ phản hồi này, có người bình luận rằng: "Đến tiết canh cũng làm món chay thì nếu có khách yêu cầu món thịt chó chay, chưa biết chừng họ vẫn chế biến cũng nên". Bình luận về phản hồi này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm xót xa: "Không biết các phật tử khác thế nào chứ tôi nghe mà thấy "đau" lắm. Ngày trước, người ta mới chỉ mỉa mai các "nhà sư hổ mang" là "lòng lợn, tiết canh đánh cả cụm", nghe đã thấy nhục rồi, giờ còn thêm câu này nữa thì không từ nào để tả nữa. Nhưng họ làm thương mại như thế thì mình không nói được, chỉ biết răn dạy trong Giáo hội là không nên ăn các món chay giả mặn. Chay là chay, mặn là mặn chứ không thể lập lờ như vậy. Nếu lòng vẫn còn thèm thuồng thì cứ ăn, tu ở tâm thì cũng không ai chê trách cả".

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ đến số điện thoại của công ty này ở TPHồ Chí Minh thì đại diện nhà hàng này khẳng định, món tiết canh chay đã được loại ra khỏi thực đơn của nhà hàng.

Trái với phản ứng của nhiều người về món tiết canh chay, một số khác cho rằng, đây là nhà hàng chứ không phải ở chùa nên việc nghĩ ra hình thức để bán hàng cũng không có gì sai. Họ phục vụ những người muốn ăn chay để kiêng khem chất béo, chất đạm chứ không phải chỉ phục vụ người tu hành. Việc chế biến các món chay thành gà, lợn, tôm, giò, chả... thực chất cũng chỉ để giúp người ăn dần đoạn tuyệt với các món thật, từ đó bớt đi sự sát sinh và lại có lợi cho cơ thể, nhất là với người có tuổi.

Riêng về món tiết canh chay đang được lan truyền trên mạng xã hội với rất nhiều bình luận chỉ trích, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói: "Đây thuộc phạm trù kinh doanh nên có lợi thì họ làm thôi. Nhưng ngay cả như vậy thì theo tôi cũng rất phản cảm. Vì ngay cả với người bình thường thì báo chí, cơ quan chức năng cũng luôn tuyên truyền không nên ăn. Vậy thì sao nơi chuyên bán đồ chay lại khơi gợi người ta nghĩ đến nó làm gì? Ăn chay theo kiểu dối lòng như thế còn nặng tội hơn ăn thật". 


Theo Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh