THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:45

Báo động an toàn thực phẩm dịp Tết

Vi phạm ATTP ở mức cao

Khá nhiều vụ việc mất ATTP bị phanh phui qua các cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, làm dấy lên nỗi lo thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa ăn gia đình. Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi Cục QLTT Hà Nội, phối hợp với Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Hoàn Kiếm) và công an phường Đồng Xuân đã phát hiện một số lượng hàng hóa lớn là các bao tải đang được tập kết tại số nhà 18 Hàng Khoai, phường Đồng Xuân. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số hàng hóa trên gồm 212 bao ngó sen, trọng lượng 5.300kg và 8 bao mứt me chua, trọng lượng 400kg. Tổng giá trị số hàng hóa khoảng gần 350 triệu đồng. Đáng chú ý, ngày sản xuất in trên bao bì là 15/6/2015, thời hạn sử dụng 3 tháng. Như vậy, số hàng hóa này đã quá hạn sử dụng, nhưng vẫn được các đối tượng tuồn vào thị trường bán cho người tiêu dùng.

Công an thu giữ mì chính giả hiệu Ajinomoto.

Giữa tháng 1/2016, Công an phường Liễu Giai (quận Ba Đình) đã phát hiện tại số nhà 80, ngõ 33 phố Văn Cao 10 thùng mứt dừa, với 2.000 gói; 15 thùng mứt lạc, với 2.800 gói. Số mứt dừa được nhập từ một tỉnh phía Nam trị giá 7 triệu đồng và lượng mứt lạc nhập từ phường Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ) trị giá 8 triệu đồng, sau đó về đóng gói vào túi ny lon có trọng lượng 250gr có nhãn hiệu Hương Dung, trà trộn bán ra ngoài thị trường. Mới đây, dư luận lại xôn xao khi lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số lượng lớn rau, củ, quả và thực phẩm của Cty Trung Thành cung cấp cho các Trường tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) không có nguồn gốc... Những vụ việc liên tiếp được phanh phui khiến người dân cảm thấy bất an, lo lắng về độ an toàn của thực phẩm hàng ngày.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, tình hình vi phạm về ATTP thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp. Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt... đang là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Kiểm soát chặt hàng hóa lưu thông

Để đảm bảo ATTP cho người dân trong dịp Tết, ông Nguyễn Thanh Phong đưa ra cam kết: Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, lấy mẫu tại chỗ và xử lý ngay những cơ sở vi phạm. “Chúng tôi sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương xuống địa phương. Trong đó, tập trung vào các cơ sở sản xuất lớn trong dịp Tết, từ thịt, cá, trứng tới bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả. Ngoài ra, sẽ tập trung thanh tra ở các thành phố lớn, chợ đầu mối, các địa điểm trung chuyển các nguồn hàng đi về các tỉnh, cửa khẩu. Kết hợp lấy mẫu để có thể xử lý tại chỗ. Đồng thời, công bố các sai phạm này trên phương tiện truyền thông đại chúng”- ông Phong cho hay.

Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2, thời điểm giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, lượng hàng hóa lưu thông mạnh, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao, các thương nhân lại càng tiêu thụ nhiều hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều đáng nói, các đối tượng ngày càng tinh vi theo cách xé lẻ hàng, gửi vào các xe khác chủng loại mặt hàng nên rất khó phát hiện.

“Do đó, chúng tôi yêu cầu 100% lực lượng phải ra quân trong dịp này, cắt cử địa bàn cho từng đơn vị, cá nhân bám sát ngày, đêm, không để hàng hóa không rõ nguồn gốc, mất an toàn tràn vào chợ Đồng Xuân và các khu vực xung quanh, sau đó lan ra các tỉnh khác; kiên quyết, xử lý nghiêm các vụ vận chuyển, kinh doanh hàng lậu tại các điểm tập kết hàng hóa”, ông Chiến nhấn mạnh.

Ngoài ra để dẹp vấn nạn thực phẩm bẩn, thời điểm cận Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Thanh Phong cũng khẳng định, thời gian tới, lực lượng thanh tra y tế sẽ tập trung vào các nhóm thực phẩm được người dân sử dụng cao trong dịp Tết. Theo đó, từ nay đến ngày 25/3, 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương tiếp tục thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm và tập trung vào các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, thịt, các loại bánh truyền thống. Cơ sở nào không đảm bảo thì rút giấy phép, kiên quyết không để tuồn thực phẩm "bẩn" ra thị trường. “Chỉ có xử phạt nghiêm mới đủ sức răn đe, ngăn chặn các chủ hàng, doanh nghiệp có ý định kinh doanh thực phẩm mất an toàn” - ông Phong nhấn mạnh.

 

Ngày 23/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện 144/CĐ-TTg gửi các bộ và UBND các tỉnh thành về việc đảm báo hàng hóa Tết Bính Thân. Công điện yêu cầu các Bộ: Công Thương, Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá và cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý để phục vụ người dân trong dịp Tết, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. 

Thành Công/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh