Sau kỳ nghỉ Tết: Nhiều tỉnh, thành lùi lịch trở lại trường vì dịch Covid-19
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:22 - 18/02/2021
Theo đó, nhiều địa phương quyết định cho học sinh các cấp học tạm dừng đến trường và học online đến hết tháng 2/2021 để phòng dịch bệnh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương (đối với học sinh mầm non, tiểu học), Gia Lai, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Các tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học từ 17/2 đến 21/2/2021 gồm: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Quảng Nam, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Phước, Bình Dương (đối với học sinh THCS, THPT)… Ngoài ra, nhiều địa phương khác cho học sinh nghỉ học từ 17/2/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Một số tỉnh như Hưng Yên, trong thời gian học sinh nghỉ học, tổ chức dạy học qua truyền hình, dạy trực tuyến. Bắc Giang, trong thời gian học sinh nghỉ học, căn cứ tình hình và điều kiện thực tế, các đơn vị khuyến khích giáo viên hướng dẫn học sinh tự học, ôn tập tại nhà thông qua các hình thức học tập trên internet và những hình thức học tập khác. Thái Bình, trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, nghiêm cấm việc dạy học trực tiếp, trực tuyến có thu tiền. Sở GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục triển khai áp dụng các dịch vụ học và thi trực tuyến K12Online của Viettel, VNPT-Elearning của VNPT, hoặc phần mềm của Trường ĐHSP Hà Nội và các phần mềm có bản quyền, có chất lượng tốt đến triển khai dạy học cho học sinh. Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đề xuất áp dụng hình thức học online bắt đầu từ ngày 22/2 để đảm bảo duy trì chương trình học, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo tới các đơn vị, trường học cho học sinh tạm dừng đến trường từ ngày 17/2/2021 đến hết ngày 28/2/2021. Trong thời gian này, các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDNN - GDTX tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh.
Đồng thời Sở yêu cầu các đơn vị, nhà trường chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy, học qua internet. Căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học, các đơn vị, nhà trường tổ chức hoạt động dạy học phù hợp để hoàn thành kế hoạch thời gian năm học theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Các đơn vị, nhà trường trên địa bàn thành phố chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe của học sinh; thực hiện khai báo y tế sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; rà soát các trường hợp có liên quan đến yếu tố dịch tễ…
Với riêng bậc mầm non, các trẻ ở lứa tuổi này không bắt buộc học trực tuyến. Song, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường ứng dụng hình thức công nghệ thông tin phù hợp giữa cơ sở, giáo viên và cha mẹ trẻ để chia sẻ, tư vấn việc chăm sóc, giáo dục, đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích khi trẻ nghỉ học.
Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn các trường tiểu học tại thành phố về việc tổ chức dạy học trên Internet sau khi có lệnh ngừng đến trường của UBND TP nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Trong thời gian học sinh ngừng đến trường, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm chỉ đạo mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến bằng nhiều giải pháp khác nhau, tập trung cho các môn học theo khối lớp. Cụ thể, đối với khối lớp 1, 2, 3 là các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ; khối lớp 4, 5 tập trung vào môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý. Đối với những trường có điều kiện, khuyến khích giáo viên các môn khác cùng tham gia thực hiện dạy học trực tuyến. Phòng GD&ĐT các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch phối hợp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả những bài dạy của giáo viên, có thể tổ chức phân công theo từng cụm trường để tiết kiệm sức lao động, khai thác hệ thống bài giảng qua internet đã được chia sẻ tại trang thông tin điện tử của sở GD&ĐT.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian học sinh học tập trên Internet, việc kiểm tra, đánh giá chỉ nhằm mục đích ôn tập, củng cố kiến thức của học sinh. Còn việc lấy điểm số, chờ đến khi học sinh học tập trung tại trường sẽ có hướng dẫn tiếp theo.