THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 03:09

Những vụ án động trời của sát thủ gốc Việt Charles Sobhraj: Sát thủ Bikini (kỳ 2)

 

Cuối năm 1973, Sobhraj đi Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Istanbul, anh ta gặp người em cùng mẹ khác cha là André. Chỉ một thời gian ngắn, bị người anh dụ dỗ, André nhanh chóng nghe theo cùng Sobhraj hợp thành một cặp bài trùng, chuyên ăn trộm xe hơi, buôn lậu thuốc lá rồi chuyển sang Hy Lạp tiêu thụ.

 Giữa năm 1974, đường dây vận chuyển, tiêu thụ xe ăn trộm bị cảnh sát Hy Lạp phát giác, Sobhraj và André cùng một số đồng phạm bị bắt.

Theo hồ sơ Interpol đã có khoảng 140 chiếc xe rơi vào tay băng nhóm Sobhraj. Bị giam trong nhà tù ở Athens, một lần nữa Sobhraj lại giả ốm rồi trốn thoát. Riêng André, cảnh sát Hy Lạp đồng ý cho dẫn độ anh ta về Thổ Nhĩ Kỳ. Ra tòa, André lĩnh án 18 năm tù.

Thoát khỏi Hy Lạp, Sobhraj đến Thái Lan bằng hộ chiếu giả. Xuất phát từ Athens, anh ta băng qua Iran, Pakistan, Ấn Độ, Miến Điện (nay là Myanmar) và điểm cuối cùng là Bangkok. "Để tránh bị phát hiện, trong hành trình xuyên Ấn Độ, tôi luôn mua vé khoang hạng nhất - loại khoang dành cho 2 người vì cảnh sát biết hành khách khoang này đều là tầng lớp thượng lưu nên họ ít chú ý", Sobhraj kể.

Và để có tiền chi tiêu, Sobhraj "bổn cũ soạn lại". Cứ khoảng 2 tiếng trước khi đến ga - nơi anh ta sẽ chuyển tàu - Sobhraj mời người khách ở chung khoang với mình uống rượu: "Khi họ đã mê man, tôi khoắng sạch. Lúc nhân viên phục vụ khoang phát hiện vị khách ngủ say như chết thì tôi đã ở trên một chuyến tàu khác rồi".

Những ngày đầu tiên ở Bangkok, Sobhraj thuê một căn phòng của một khách sạn nhỏ nằm trên đường Charoen Krung rồi lang thang đây đó tìm cách "làm ăn". Một hôm, tại khu chợ nổi trên sông Chao Phraya, anh ta tình cờ gặp một cô gái người Canada - là thư ký y khoa, đến từ thành phố Quebec, tên Marie Andrée Leclerc. Trong vai một du khách từng trải, Sobhraj kể cho cô gái nghe về những nơi anh ta đã đi qua như Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp… về phong tục, tập quán và về cuộc sống của người dân ở đó. Bị thu hút bởi tính lãng tử của Sobhraj, chỉ sau vài lần gặp gỡ, Marie đã thu dọn đồ đạc về ở chung với Sobhraj như vợ chồng.

"Xe hơi ở Bangkok phần lớn là xe đời cũ, có bán cũng chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, tôi vẫn chưa tìm được đầu mối tiêu thụ nào vì tôi không biết tiếng Thái trong khi đa số người Thái không nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp… Vì thế, tôi phải chuyển hướng hoạt động bằng cách tuyển mộ thêm một số tay chân", Sobhraj kể trong hồi ký.

Người đầu tiên mà Sobhraj tuyển mộ là một thanh niên Pháp, tên Dominique Rennelleau. Mời Rennelleau đi ăn tối cùng với cô vợ Marie của mình, Sobhraj kín đáo bỏ vào đĩa thức ăn của Rennelleau một ít bột lá cây Majiad - loại cây mọc ở Ấn Độ, có khả năng gây ra những triệu chứng giống như bệnh kiết lị. Ăn xong, chiều hôm sau Sobhraj đến khách sạn nơi Rennelleau trú ngụ, vờ như ghé thăm. Thấy Rennlleau nằm ôm bụng nhăn nhó trên giường, Sobhraj đã "hào phóng" mời anh chàng này về ở chung với mình để tiện việc chữa trị.

Cảm kích trước cử chỉ nghĩa hiệp của Sobhraj, dần dà Rennlleau tự nguyện làm bất cứ việc gì mà Sobhraj sai bảo, mặc dù thừa biết đó đều là những việc phi pháp.

Tuy nhiên, trợ thủ đắc lực nhất của băng nhóm Sobhraj lại là một thiếu niên Ấn Độ tên Ajay Chowdhury. Sobhraj gặp Ajay, khi cậu bé đang đói lả trong công viên. Được cho ăn uống, mua sắm quần áo, cho chỗ trú ngụ, Ajay ngoan ngoãn vâng lời Sobhraj chẳng khác gì đầy tớ nghe lời chủ.

Sobhraj đọc bài báo viết về mình trên tờ Người Paris.

Trong hồi ký, Sobhraj kể: "Để đánh giá khả năng và cũng là để thử lòng trung thành của Ajay, một hôm tôi đưa cậu ta chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng hiệu Rolex - dĩ nhiên là đồ giả - đã được tháo một cái chốt ở dây đeo để làm ra vẻ nó bị đứt rồi dặn cậu ta "diễn" cho đúng bài".

Ajay cầm đồng hồ đến những quán bia nằm dọc theo đại lộ Maha Rat, nơi mà ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có những người lính Mỹ mới từ Sài Gòn rút về, ngồi nhâm nhi với những cô tiếp viên. Theo kịch bản, Ajay bước vào, chìa chiếc đồng hồ ra, nói rằng mình vừa mới nhặt được rồi mời lính Mỹ mua. Đúng lúc ấy, Sobhraj xuất hiện, tỏ ý cũng muốn mua nhưng Ajay không bán.

Kỳ kèo một lúc, Sobhraj rút lui. Thấy chiếc đồng hồ trị giá 1.200 USD nhưng thằng bé Ấn Độ chỉ bán có 500 vì là "của nhặt" nên lắm anh lính ham rẻ, mua ngay. Sobhraj kể: "Có bữa, cả Marie lẫn Rennelleau và Ajay xoay tua đóng kịch, bán được 6 chiếc. Trừ đi giá vốn mỗi chiếc 50 USD, chúng tôi cũng đủ sống qua ngày nhưng tôi biết trò kiếm ăn ấy không thể kéo dài mãi".

Giữa tháng 9/1975, vợ chồng Sobhraj làm quen với một cô gái người Mỹ tên Teresa Knowlton, đến từ thành phố Seattle, bang Washington (trong cuốn sách "Người rắn" viết về cuộc đời Sobhraj, tác giả Thomas Thompson nói cô này tên là Jennie Bollivar).

Cũng như những con mồi khác, Teresa được vợ chồng Sobhraj mời đi ăn, đi thuyền du lịch trên sông Chao Phraya. Khoảng ba tuần sau, những đợt sóng thủy triều đưa thi thể Teresa lên bãi biển Kolkata, trên người chỉ mặc mỗi bộ đồ tắm 2 mảnh.

Thoạt đầu, cảnh sát Thái Lan cho rằng, Teresa chết đuối vì uống bia và hút cần sa quá mức, như vẫn thường thấy ở một số thanh niên nam nữ Mỹ khi du lịch Thái Lan.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của gia đình nạn nhân thông qua Sứ quán Mỹ, một nhóm chuyên gia pháp y từ Mỹ bay sang Bangkok. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Teresa bị trấn nước đến chết rồi mới ném xuống biển vì ở vùng sau gáy vẫn còn lờ mờ những dấu thâm tím của mấy ngón tay.

41 năm trôi qua, cho đến hiện tại, khi Sobhraj đang còn chịu án tù chung thân ở Nepal, vì tội giết người, vẫn không ai biết vì sao Teresa chết. Giả thuyết vợ chồng Sobhraj giết cô gái để cướp tài sản xem ra không có lý vì theo lời khai của những người bạn Teresa thì cô này thuộc dạng tiền chẳng có nhiều. Cũng có giả thuyết rằng vợ chồng Sobhraj làm quen cô gái với mục đích kết nạp cô vào băng nhóm lừa đảo, trộm cắp. Nhưng lúc thấy Teresa từ chối, sợ bị tố cáo, Sobhraj hạ thủ cô ta để bịt đầu mối.

Nạn nhân thứ hai của băng nhóm Sobhraj là một thanh niên Israel tên Vitali Hakim, thi thể bị đốt cháy đen, được phát hiện tại một bãi biển hoang vắng trong khu nghỉ mát Pattaya. Cũng như cô gái người Mỹ Teresa, nhiều nhân chứng cho biết trước khi Hakim chết, họ gặp anh ta đi chơi chung với nhóm Sobhraj. Kiểm tra khách sạn nơi Hakim thuê phòng, cảnh sát Thái Lan thấy quần áo và đồ dùng cá nhân của của Hakim vẫn còn nguyên vẹn, chỉ không có hộ chiếu và tiền bạc. Nhân viên nhà hàng trong khách sạn nói mỗi lúc Hakim trả tiền ăn, anh ta đưa tiền mặt là đôla Mỹ.

Tiến hành điều tra, vợ chồng Sobhraj cùng hai gã đàn em là Ajay và Rennelleau đều khai rằng họ có quen Hakim nhưng chỉ đi chơi chung vài lần. Khu nghỉ mát Pattaya khách du lịch người nước ngoài đông như kiến, họ quen nhau chớp nhoáng rồi chia tay nhau cũng nhanh không kém, biết đâu mà lần nên theo nhận định của cảnh sát Thái, có thể Hakim đã gây ra một xích mích nào đó với những băng nhóm xã hội đen người Thái ở Pataya và bị giết.

Không liên lạc được với Hakim, người yêu của Hakim là Charmayne Carrou từ Tel Aviv, Israel bay sang Bangkok. Trước đó, Hakim nhiều lần điện thoại cho Carrou, nói rằng mình "đã gặp những người bạn tốt bụng và thường xuyên đi chơi chung với họ, về nhà họ tiệc tùng…".

Đến Bangkok, Carrou nhanh chóng tìm ra nơi băng nhóm Sobhraj trú ngụ. Lo sợ trước sự truy vấn của cô gái Israel về việc bạn trai tự dưng biến mất bởi lẽ hôm cuối cùng trước khi chết, Hakim điện thoại cho Carrou, nói rằng mình sẽ đi Pattaya với vợ chồng Sobhraj nên anh ta đề nghị đưa cô gái đến một resort ở Pattaya, nơi Hakim thuê phòng để tìm hiểu.

Chín ngày sau đó, xác Carrou nổi lên trên biển Pattaya, trên người cũng chỉ mặc một bộ bikini y hệt Teresa. Và cũng như cái chết của Teresa, cảnh sát Thái Lan một lần nữa kết luận rằng Carrou đuối nước trong lúc trên trang nhất của những tờ báo phát hành ở Bangkok, cụm từ "The Bikini Killer - Sát nhân bikini" lần đầu tiên xuất hiện.

Ngay trong thời điểm Carrou từ Tel Aviv sang Bangkok tìm Sobhraj thì tên này đã giết thêm hai người nữa. Đó là một sinh viên người Hà Lan tên Henk Bintanja và vị hôn thê là Cornelia Hemker. Sobhraj quen cặp đôi này ở Hongkong khi hắn ta qua đó đặt làm đồng hồ giả. Bằng cách mời họ sang Bangkok du lịch, lúc họ tìm đến chỗ ở của Sobhraj thì cũng là lúc Carrou đang chất vấn Sobhraj về sự mất tích của người yêu mình. Sợ bị bại lộ, Sobhraj đầu độc Henk Bintanja và Cornelia Hemker bằng thuốc ngủ bỏ trong thức ăn rồi cùng cậu bé Ấn Độ Ajay giết họ.

Ngày 16/12/1975, thi thể của Henk Bintanja và Cornelia Hemker được tìm thấy trong tình trạng một người bị đánh gãy đốt sống cổ còn người kia thì cháy thành than. Thay ảnh trong hộ chiếu của nạn nhân, Sobhraj cùng vợ đi Nepal.

Đến ngày 28/12 năm đó, cặp đôi này giết 2 du khách, một anh chàng người Canada là Laurent Carriere cùng một cô gái người Mỹ là Connie Bronzich. Bằng cách rủ họ đi thám hiểm núi Everest, mọi chi phí Sobhraj lo hết. Vợ chồng Sobhraj đưa 2 du khách đến một nơi hoang vắng, nói là để gặp những người Nepal dẫn đường.

Lợi dụng lúc Laurent Carriere và Connie Bronzich sơ ý, Sobhraj cầm cây gậy vốn dùng để chống đi cho thăng bằng, đánh vào gáy Laurent Carriere nhiều cú trong lúc cô vợ đâm Connie Bronzich bằng dao. Sau khi lục lấy hết tiền bạc, hộ chiếu, Sobhraj định đốt xác họ nhưng do lượng xăng mà anh ta mang không đủ nên chỉ có xác của Connie Bronzich bị đốt.

Vẫn với thủ đoạn sử dụng hộ chiếu của hai nạn nhân Laurent Carriere và Connie Bronzich, vợ chồng Sobhraj quay lại Thái Lan.

Tại Bangkok, Rennelleau - người đã bị Sobhraj bỏ bột lá cây vào thức ăn, gây ra bệnh kiết lị rồi sau đó chữa trị để kết nạp vào nhóm - lúc nhìn thấy những tấm hộ chiếu họ tên là của người khác nhưng hình ảnh lại là hình vợ chồng Sobhraj - và nhất là thông tin về việc tìm thấy xác hai người Hà Lan tràn ngập trên các trang báo thì biết rằng Sobhraj không chỉ bán đồng hồ giả, mà anh ta còn cướp của, giết người. Lo sợ trước án tù nặng nề treo trên đầu mình vì tội đồng lõa, Rennelleau viết một lá thư, kể rõ tất cả những việc mình đã chứng kiến, gửi cảnh sát Thái Lan rồi trốn về Paris.

Thấy Rennelleau đột nhiên biến mất, linh tính của một kẻ tội phạm đã khiến Sobhraj cảnh giác. Lập tức, anh ta đưa cô vợ và tay trợ thủ Ajay đi Calcutta, Ấn Độ. Tại nơi này, vẫn bằng cách làm quen, mời ăn uống, Sobhraj giết một người Istrael tên Avoni Jacob để lấy cuốn hộ chiếu. Bằng cái tên Jacob, Sobhraj cùng vợ và Ajay đi Singapore.(Còn tiếp)

Thanh Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh