THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:15

Sắp diễn ra cuộc tổng điều tra về Sức khỏe phụ nữ và Kinh nghiệm sống

Toàn cảnh Hội thảo khởi động Điều tra quốc gia lần thứ hai về “Sức khỏe phụ nữ và Kinh nghiệm sống”

 

Sáng nay (ngày 25/1), tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Úc đã tổ chức Hội thảo khởi động Điều tra quốc gia lần thứ hai về “Sức khỏe phụ nữ và Kinh nghiệm sống”.

Theo kết quả Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vào năm 2010, 58% phụ nữ từng kết hôn trong độ tuổi từ 18-60 đã bị bạo lực ít nhất một lần trong đời, nhưng 87 phần trăm nạn nhân không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Nghiên cứu này khẳng định bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam là một vấn đề đáng báo động. Tuy nhiên, các số liệu này mới chỉ phản ánh tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong phạm vi gia đình.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA tại Việt Nam, cuộc điều tra lần thứ hai này sẽ do Tổng cục Thống kê thực hiện từ tháng 3 năm 2018. Bộ LĐ-TB&XH sẽ là cơ quan điều phối các hoạt động điều tra và thực hiện công bố số liệu điều tra vào đầu năm 2019, đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông vận động giúp đưa các số liệu điều tra vào việc xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

 

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Ngọc Tiến nhấn mạnh vai trò của các kết quả điều tra trong hoạch định chính sách

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết: “Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các chỉ tiêu Bình đẳng giới thuộc Mục tiêu Thiên niên kỷ số 3. Các khuôn khổ pháp lý quốc gia về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn cao và chưa được giải quyết một cách hiệu quả”.

Ông Tiến cho rằng, để xây dựng được một chính sách đúng, hiệu quả, thiết thực, ngoài năng lực của đội ngũ cán bộ tham mưu, chúng ta không thể thiếu những số liệu, thông tin tin cậy để làm bằng chứng cho việc định hướng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách một cách thuyết phục và khoa học… “Nghiên cứu, điều tra lần này sẽ cung cấp các ước tính đáng tin cậy về các chỉ số chính về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong 6 vùng kinh tế trọng điểm, khu vực đô thị và nông thôn, người Kinh và người các dân tộc khác, cũng như trên phạm vi cả nước. Từ đó sẽ giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách, người lập kế hoạch ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, các cơ quan Chính phủ, tổ chức xã hội, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực, cho cộng đồng người dân trong xã hội” - ông Tiến khẳng định.

Ngài Craig Chittick, Đại sứ Úc tại Việt Nam phát biểu: "Các số liệu về trải nghiệm của phụ nữ về bạo lực là bước đầu tiên quan trọng trong việc ứng phó một cách đúng đắn và đầy đủ tới vấn đề này. Quan trọng hơn cả, các số liệu cũng cho thấy phụ nữ và trẻ em gái, những người mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có đủ can đảm để có thể giải quyết những tổn hại này".

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: "Chúng tôi rất vui được cộng tác cùng với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam triển khai Cuộc điều tra quốc gia lần hai về Sức khỏe phụ nữ và Kinh nghiệm sống. Tôi hy vọng cuộc điều tra này sẽ cung cấp cho chúng ta các số liệu cập nhật và đánh giá tác động của các nỗ lực về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong vòng 10 năm qua. Chúng ta hãy cùng nhau cộng tác để hướng tới một xã hội Việt Nam mà không còn phụ nữ nào, dù ở bất cứ đâu, phải sống trong sợ hãi và tất cả phụ nữ đều được đối xử một cách công bằng và tôn trọng nhân phẩm".

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh