Sáng suốt lựa chọn nghề trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:07 - 22/05/2020
Cách mạng công nghiệp 4.0 có tầm ảnh hưởng lớn nhất so với 3 cuộc cách mạng trước đó. Sẽ có nhiều nghề biến mất và nhiều nghề mới xuất hiện do thay đổi công nghệ, hàng triệu người thất nghiệp, đặc biệt là những nghề lao động giản đơn và lao động có chuyên môn mà kỹ năng yếu dễ có nguy cơ lớn nhất.
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Lao động tri thức
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế chia sẻ: Cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... với 5 đặc trưng cơ bản, đó là kết nối số mọi lúc mọi nơi (IoT); trí tuệ máy với việc robot tạo ra robot, tạo ra lực lượng cạnh tranh và thay thế con người ở mọi cấp độ.
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là "lao động tri thức" kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà robot không thể làm thay. Từ đó, cho thấy thị trường Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này. Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot.
"Giỏi chuyên môn, giỏi nghề phải am hiểu công nghệ, tư duy sáng tạo. Thói quen "thích" bằng cấp, chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Thanh niên phải chọn nghề phù hợp khả năng bản thân và nhu cầu phát triển thị trường lao động (giá trị lao động, giá trị hành nghề)", Phó Viện trưởng nhấn mạnh.
65% công việc mới chưa xuất hiện
Liên quan đến vấn đề này, Phó Viện trưởng cho biết: Tất cả thanh niên muốn trở thành công dân toàn cầu điều đầu tiên cần phải có kỹ năng kết nối, giao tiếp tốt. Phải sử dụng mạng xã hội, internet vào những mục đích chính đáng, chẳng hạn tìm hiểu một số vấn đề nóng trong xã hội không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn trên toàn thế giới như: sự nghèo đói, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bất công trong xã hội… Tiếp đến, cần làm gì đó để tạo ra lợi ích xã hội và nếu nghề nghiệp và trình độ thì có thể đề xuất những chiến lược, giải pháp kinh tế - xã hội làm thay đổi tình huống, sự việc theo hướng tích cực hơn.
Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị Kinh tế thế giới, với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, 65% công việc trong tương lai dành cho thế hệ Z (sinh giai đoạn 1995 - 2012) vẫn chưa xuất hiện. Những công việc hôm nay chúng ta cần 50% kiến thức về mặt công nghệ thì trong tương lai sẽ tăng lên 77%. Lĩnh vực được xác định sẽ tăng nhu cầu lao động là phân tích dữ liệu, bán hàng chuyên nghiệp và loại nguồn nhân lực mới cũng như các chuyên gia liên quan đến vật liệu, hóa sinh, công nghệ nano và robot.
Thị trường lao động Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến lớn, gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm, trong đó xu hướng tăng nhanh khởi nghiệp và tự tạo việc làm của thanh niên.
Phó Viện trưởng nhận định, trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là 85% lao động trong ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ...
Cần sự sáng suốt trong chọn nghề
Ông Trần Anh Tuấn khuyên các bạn trẻ rằng, chọn nghề đó là việc con người đối chiếu nguyện vọng, sở trường, khuynh hướng, hứng thú và năng lực của mình với yêu cầu của nghề nghiệp xem có phù hợp hay không. Nếu chọn đúng nghề, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, phấn khởi, hăng say học tập, lao động nên năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc, thu nhập tăng, ngược lại nếu chọn sai nghề sẽ làm cho bạn buồn phiền, chán nản, năng suất thấp, không yên tâm công tác, muốn đổi nghề, thậm chí bỏ nghề gây thiệt hại lớn cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là: năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Bởi vì, nếu có đủ năng lực đáp ứng và sự say mê theo đuổi ngành học và nghề nghiệp dự định thì dù trên con đường học tập hay thậm chí cả trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp những khó khăn, trở ngại, các bạn sẽ nỗ lực để vượt qua thay vì buông xuôi.
Không có ngành nào gọi là "hot", mà chỉ do chính con người quyết định chọn nghề, sự phù hợp nghề là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người. Trong thị trường lao động phát triển, tương lai trong tầm tay những người thanh niên có nghề và giá trị hành nghề chất lượng.
Dự báo 4 lĩnh vực phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động:
1.Công nghệ kỹ thuật, tự động hóa và khoa học sáng tạo (công nghệ thông tin - in 3D, điện - điện tử, cơ khí tự động - robot - chế tạo máy, hóa dược - hóa sinh, hóa mỹ phẩm, chế biến tinh thực phẩm - an toàn thực phẩm...).
2.Thiết kế và mỹ thuật ứng dụng, kỹ thuật công trình xây dựng và môi trường.
3.Quản trị kinh doanh - thương mại, marketing, kinh doanh tài chính.
4.Dịch vụ và quản trị dịch vụ (du lịch và lữ hành, nhà hàng – khách sạn – ăn uống, một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao).
Cùng những nhóm ngành khác trong xu hướng phát triển thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, sư phạm kỹ thuật và giáo dục, công nghệ nông - lâm - thủy sản, công nghệ dệt - may, văn hóa - nghệ thuật - thể thao.
Trong đó, 5 điều kiện của nhân lực chất lượng cao: Có nghề chuyên môn; kỹ năng nghề; chấp hành kỷ luật - đạo đức nghề nghiệp; biết ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ văn phòng; ngoại ngữ giao tiếp.