Thẩm tra sơ bộ Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)
- Tây Y
- 05:37 - 07/05/2019
Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp; đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các bộ, ngành, đơn vị có liên quan.
Trình bày Tờ trình, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, thực tiễn quá trình triển khai áp dụng Bộ luật Lao động: xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, sửa đổi để để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, yêu cầu từ việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động và đảm bảo tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế Bộ luật Lao động 2012 cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế khác nhau.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm rõ một số vấn đề về Bộ Luật lao động (sửa đổi)
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng nêu rõ, sau khi rà soát, chỉnh sửa và lược bỏ các điều có nội dung đã được quy định bởi các luật khác; sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Bộ luật Lao động hiện hành theo mục đích và các quan điểm chỉ đạo sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương. Thực tiễn thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng nhiều người sử dụng lao động giao kết hợp đồng “trá hình”, “biến tướng” hợp đồng lao động để trốn tránh các nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi cho người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động… Thêm vào đó, trong bối cảnh cách mạng 4.0, nhiều dạng quan hệ việc làm mới khác với quan hệ việc làm truyền thống đã xuất hiện như lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số.
Do vậy lần sửa đổi này, dự thảo Bộ luật Lao động đã sửa đổi các quy định về khái niệm người lao động, hợp đồng lao động nhằm mở rộng diện "bao phủ" của Bộ luật về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động.... đến người lao động làm việc cho người sử dụng lao động trong khu vực phi chính thức, lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số, lao động cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng dưới 10 lao động...
Thẩm tra sơ bộ Dự luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp 2013 để bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, Uỷ ban cũng đề nghị cần bổ sung và quan tâm sâu sắc hơn về việc thể hiện quan điểm chỉ đạo và mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh kết luận phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động và đảm bảo tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật; bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thêm về một số nội dung như điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; bổ sung 1 ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ…
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo cũng như sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành có liên quan; đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, phối hợp tích cực hiệu quả với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Ủy ban Thường vụ trong phiên họp tới đây.