Nền văn hóa đa dạng của người Khmer và Stiêng Bù Đek Bình Phước
- Văn hóa - Giải trí
- 14:54 - 04/11/2021
Người Stiêng Bù Đek là nhóm người sinh sống ở vùng thấp, trên địa bàn các huyện thị xã: Bình Long, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành. Trong phạm vi cư trú của người Stiêng Bù Đek còn có các cộng đồng cư dân khác cùng sinh sống, trong đó, có người Khmer – một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông ở Bình Phước.
Trước đây, hai cộng đồng cư dân Stiêng và Khmer cư trú đan xen, trong những địa bàn độc lập, nói cách khác mỗi cộng đồng cư trú theo từng Sóc riêng nhưng các Sóc có thể phân bố đan xen nhau, gần nhau. Chẳng hạn: ở Lộc Quang (Lộc Ninh), Sóc Chàng Hai (người Khmer) cư trú gần Sóc Bù Tam (Stiêng), ở Lộc Phú cũng vậy.
Đây là hai nhóm cư dân đã cư trú lâu đời ở vùng đất Bình Phước và đều có nền văn hóa khá đa dạng. Qua những nghiên cứu cho thấy, trong cộng đồng, văn hóa truyền thống của hai nhóm cư dân Xtiêng Bù Đek và người Khmer có những nét tương đồng và dị biệt.
Về mặt tương đồng, căn cứ vào các loại hình di sản văn hóa, người Khmer và người Stiêng có những di sản văn hóa tương đồng nhau về nhiều mặt, hình thức hoặc nội dung, hoặc cả hình thức và nội dung. Những điều này được thể hiện qua một số loại hình di sản văn hóa sau đây:
Trong lĩnh vực canh tác, người Khmer và người Stiêng Bù Đek đều có chung hình thức canh tác là ruộng nước. Loại hình canh tác có một số lợi thế như, cây lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất cao hơn so với canh tác nương rẫy. So với canh tác nương rẫy, canh tác lúa nước thể hiện sự phát triển cao hơn của nền văn minh nông nghiệp. Bởi vì hình thức canh tác này đòi hỏi người canh tác phải sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác để có năng suất tốt.
Trong cư trú, nhà ở của người Khmer và Stiêng Bù Đek đều là kiểu nhà sàn, vật liệu đều được làm từ việc khai thác nguyên liệu có trong tự nhiên. Trong quá trình xây dựng nhà ở, từ khâu khai thác nguyên liệu đến dựng nhà, người Stiêng và Khmer đều có nhiều điều kiêng kỵ tương tự nhau. Chẳng hạn: kiêng kỵ trong việc khai thác cây rừng làm cột nhà, kiêng kỵ trong việc vận chuyển nguyên liệu từ rừng về nhà, kiêng kỵ khi lợp nhà,...
Trong lễ hội truyền thống, người Stiêng và Khmer đều có những lễ hội giống nhau về nội dung, quy trình tổ chức, quy mô. Trong đó, hai lễ hội có điểm tương đồng nhiều nhất là lễ cúng trừ Tà ma (còn gọi là lễ Bà Bóng), lễ Phá Bàu.
Đối với trang phục, hai cộng đồng cư dân này có nhiều loại khá giống nhau. Người Stiêng ngoài các trang phục truyền thống là những sản phẩm dệt thổ cẩm, họ cùng sử dụng loại trang phục áo bà ba, váy, khăn Kra ma. Đặc biệt, trang phục người lớn tuổi, hai dân tộc này còn sử dụng chiếc Hô’l – loại trang phục có cấu trúc tương tự như chiếc áo dài của người Kinh.
Lĩnh vực nghề truyền thống xuất hiện nhiều đặc điểm khá giống nhau. Trong việc đan vật dụng họ có cùng những sản phẩm là các vật dụng để mang sau lưng (Gùi), trong đó một số loại có cùng tên gọi, chẳng hạn như Xa’s - một loại Gùi. Đặc biệt, tấm trải sàn làm từ cây Run (còn gọi là cây Lùng) là sản phẩm rất phổ biến mà cả hai nhóm đều sản xuất và sử dụng, xem đây như là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Đối với phong tục tập quán, tiêu biểu có thể kể đến là tục ăn trầu và sử dụng trầu cau. Trong đời sống xã hội, người Stiêng Bù Đek và người Khmer, trầu cau là thức ăn và là lễ vật không thể thiếu. Nói cách khác họ đều sử dụng trầu cau khá phổ biến. Trong các nghi lễ, đặc biệt là các nghi lễ liên quan đến hôn nhân, cả hai cộng đồng đều sử dụng trầu cau để cúng thần linh và mời nhau. Trong cuộc sống hằng ngày, người Stiêng và người Khmer đều sử dụng rất thường xuyên. Đặc biệt, trong lễ cưới truyền thống, người Khmer và người Stiêng Bù Đek đều có hình thức hát đối đáp trong khi tiến hành các nghi lễ với hình thức rất đa dạng, đặc sắc.
Bên cạnh những điểm tương đồng, văn hóa truyền thống của hai cộng đồng cư dân này có rất nhiều khác biệt, thể hiện qua các lĩnh vực văn hóa (vật thể và phi vật thể) trong đời sống xã hội của hai cộng đồng. Có thể kể đến như: Lao động sản xuất, phong tục tập quán, cư trú, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống...
Sự khác biệt trong văn hóa do có thể do nhiều nguyên nhân, tạo nên. Có thể dó yếu tố sáng tạo riêng của mỗi cộng đồng tạo ra, phản ánh đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, đối với sự tương đồng thì có nhiều cách lý giải. Có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên do những đặc thù của quá trình cư trú và lao động sản xuất giữa hai cộng đồng.
Nhưng cũng có thể là do có sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa trong quá trình hoạt động, từ đó tạo ra sự giao thoa và tiếp biến văn hóa trong một số lĩnh vực nhất định. Điều này cũng đã từng diễn ra với các cộng đồng cư dân khác không chỉ ở hai dân tộc Stiêng Bù Đek và Khmer ở Bình Phước mà còn với các dân tộc cùng khu vực cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Sự giao thoa, tiếp biến văn hóa có nhiều ý nghĩa tích cực, trong đó làm cho các nền văn hóa của các nhóm cư dân trở nên phong phú, đa dạng là giá trị và ý nghĩa to lớn.