THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:19

Sân khấu bận rộn ngày xuân

 

 

Cảnh đón xuân trong không khí giá buốt, bên những câu hát, điệu múa, vở kịch vui nhộn trên sân khấu ngoài trời đơn sơ tưởng đâu đã cách đây mấy chục năm, là quá khứ rồi, chứ ít ai nghĩ, thói quen ấy vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ, khi mà cả ở vùng sâu vùng xa, sự xuất hiện ồ ạt của các loại hình giải trí như âm nhạc, điện ảnh, thậm chí cả sự nở rộ của các kênh truyền thông, mạng xã hội khiến nhiều khán giả bị mê hoặc. Lâu nay, sân khấu vẫn bị coi là vắng khách bởi không thể cạnh tranh được với đa dạng các hình thức nghệ thuật khác. Thế nhưng, Tết đến xuân về, chẳng tiện nghi nào giữ chân được khán giả ở nhà trong chăn ấm, nệm êm. Dù mưa, dù lạnh, vẫn có những người thích ra khỏi nhà đến với ánh đèn sân khấu xem người thật, cảnh thật. Vì thế, những tháng đầu năm thong thả lại chính là thời điểm các nghệ sĩ sân khấu chạy show nhiều nhất. Nói cách khác, đây chính là mùa làm ăn của sân khấu. Hầu như nhà hát nào cũng bận rộn những ngày này.

Tết là phải vui

Nếu như tại TP.Hồ Chí Minh, khán giả thường kéo nhau đến các tụ điểm sân khấu để xả hơi, thì các sân khấu tại Hà Nội gần như im ắng. Đó là lý do vì sao các đoàn kịch thường chạy sô về ngoại thành và các chương trình biểu diễn ở Thủ đô thường chỉ xuất hiện lẻ tẻ. Các nhà hát tại thủ đô Hà Nội thường lên kế hoạch biểu diễn phục vụ khán giả tại các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình… từ trước Tết mấy tháng. Những ngày này, các diễn viên tụ hội đông đủ tại các sân khấu ngoài trời vùng nông thôn. Dù phải đi xa, từ sáng sớm đến tối khuya mới về, sân khấu ngoài trời, trang thiết bị đơn sơ, gió thốc vào mặt song khán giả từ người già đến con trẻ quây kín cả sân khấu say mê thưởng thức nghệ thuật khiến diễn viên luôn hứng khởi. "Sự háo hức của đông đảo khán giả là nguồn động viên to lớn với nghệ sĩ sân khấu. Điều này rất khó xuất hiện tại những rạp hát hiện đại của thành phố", nghệ sĩ Hồ Liên, Nhà hát kịch Việt Nam cho biết.

Một trong những món ăn tinh thần đầu xuân mà các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ gửi tới khán giả là những vở hài kịch, tiểu phẩm tạo tiếng cười sảng khoái, nhẹ nhõm sau một năm nhiều căng thẳng. Như thông lệ, Nhà hát Tuổi trẻ khai xuân bằng chương trình ca múa nhạc hài kịch với những ca khúc được yêu thích và các tiểu phẩm hài đặc sắc ngay tại sân khấu ở phố Ngô Thì Nhậm. Chương trình được dàn dựng công phu, nhiều màu sắc đặc biệt rất thích hợp với khán giả nhí bởi Tết là dịp các em cùng gia đình đến rạp hát thưởng thức nghệ thuật. Có thể nói  chào xuân là chương trình có thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ trong suốt nhiều năm qua bên cạnh “Đời cười” với những tiểu phẩm hài về đề tài xã hội thường được trình làng vào dịp hè. Tiếng cười mang màu sắc riêng, vốn được coi là “đặc sản” của Nhà hát Tuổi trẻ bởi mỗi tình huống hài hước bắt nguồn từ sự tréo ngoe của cuộc sống, hay một cảnh tượng xã hội trớ trêu. NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định: “Tiếng cười trong các tiểu phẩm đều xuất phát từ những tình tiết trái ngược nhau. Tiếng cười mang ý nghĩa xã hội nhẹ nhàng mà sâu sắc. Đó là những tình tiết mà người xem bắt gặp đâu đó trong đời sống xã hội. Tiếng cười từ trong nhà ra ngoài phố, nó có ở bất cứ đâu. Chính vì vậy việc chọn lựa kịch bản các tiểu phẩm hài kịch để ra mắt công chúng dịp xuân được chúng tôi hết sức chú trọng”.

 

 

Bản thân NSƯT Chí Trung từng rong ruổi hết đất Bắc lại xứ Nam để lùng xục những kịch bản hay và đặt hàng tác giả viết hài kịch. Nhà hát cũng có được sự cộng tác thân thiết của một số tác giả chuyên viết hài nên lượng kịch bản khá ổn định. Không chỉ biểu diễn ngay tại rạp, các nghệ sĩ còn có kế hoạch lên đường du diễn đầu xuân để lấy hên cho một năm mới nhiều măn mắn. Năm nào cũng vậy, khai xuân xong là các nghệ sĩ lại lên đường du diễn mải miết ở các tỉnh lân cận cho đến hết tháng giêng, tháng hai. Lấy tiếng cười làm chủ đạo, lại được phục vụ miễn phí, vì thế các vở diễn dù bị chê ỏng chê eo ở thành phố vẫn thu hút rất đông người xem ở thôn quê. Cuối năm, nhiều chương trình hài kịch được dàn dựng song cũng chỉ diễn lẻ tẻ tại thành phố vài buổi, sau đó là khăn gói về quê.

Không chỉ Nhà hát Tuổi trẻ vốn đã khẳng định được thương hiệu tiếng cười sàn diễn đối với nhiều khán giả, các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác cũng muốn tận dụng sự hài hước để đưa sân khấu đến gần hơn với khán giả. “Đầu năm sum họp gia đình, không ai muốn xem một vở kịch dài với nội dung nặng nề mà chủ yếu thích nghe những bài ca nhẹ nhàng, những tiểu phẩm vui tươi để thư giãn”, đạo diễn Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát cho biết. Vì thế, nhà hát luôn chuẩn bị một chương trình đặc biệt để đi diễn xuân, trong đó bao gồm những bản nhạc cải lương hay, những trích đoạn đặc sắc và những tiểu phẩm vui để phục vụ khán giả vào dịp Tết. Bên cạnh đó, vì là đơn vị nghệ thuật truyền thống nên Nhà hát vẫn diễn những vở kịch lịch sử, hoặc dân gian - một món ăn luôn được khán giả nông thôn ưa thích. Ngày tết, chủ yếu phục vụ lễ hội nên những vở diễn có đề tài lịch sử hay dân giân rất phù hợp với không khí xuân cũng như sở thích của người dân thời điểm này.

Môi trường để giữ gìn giá trị truyền thống

Nhà hát Cải lương Việt Nam năm nào cũng đi biểu diễn liền tù tì 2 - 3 tháng sau Tết. Biểu diễn trong không gian của lễ hội truyền thống nên kịch hát dân tộc "giữ được mình" hơn, vì thế những vở kịch lịch sử rất được khán giả tán dương. Nếu như một năm dài, Nhà hát Tuồng Việt Nam thường im hơi lặng tiếng thì mấy tháng đầu năm lại làm không hết việc vì phải phục vụ rất nhiều ngày lễ hội, chương trình kỷ niệm mang tính truyền thống. Từ lâu, các nghệ sĩ tuồng đã “lấy điểm” trong những chương trình lớn bởi các tiết mục rất đa dạng như trống hội, múa cờ, các điệu múa cổ thể hiện tinh thần dân tộc, đặc trưng văn hóa Việt. Bên cạnh đó, những vở tuồng truyền thống như: “Đào Tam Xuân”, “Ngọc Hân công chúa”, “Phụng Nghi Đình”, “Mộc Quế Anh dâng cây”… rất được ưa chuộng tại các vùng quê. Trong khi những vở tuồng dân gian hay hiện đại lại không được đón nhận nồng nhiệt. Vì thế, dịp lễ tết không những là "ngày mùa" của các nghệ sĩ kịch hát dân tộc mà còn là cú hích mạnh mẽ cho việc bảo tồn, phát triển môn nghệ thuật truyền thống vốn bị đối xử "lạnh nhạt" tại nơi đô hội.

Ngay cả đơn vị nghệ thuật đặc thù như Nhà hát Kịch Quân đội cũng luôn bận rộn với các chương trình diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị như  Quân khu 3, Quân khu 4, Quân đoàn 1, Quân chủng Phòng không không quân… Tác phẩm được công diễn nhiều nhất là những vở kịch về những người lính bộ đội cụ Hồ với tinh thần yêu nước và trái tim sẵn sàng hy sinh vì vận mệnh Tổ quốc. Các vở diễn đều được dàn dựng bởi hình thức nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn với dàn diễn viên yêu nghề, sẵn sàng chịu đựng giá rét để phục vụ khán giả áo xanh đặc biệt. Những ngày Tết âm lịch, Nhà hát thực hiện diễn phục vụ nhân dân theo đúng lịch do Sở VH-TT&DL quy định. Những nghệ sĩ kiêm chiến sĩ hy vọng, vở diễn có nội dung sâu sắc này sẽ góp phần mang đến cho mọi người một cái tết ý nghĩa bên cạnh nhiều tiết mục vui chơi giải trí của các đồng nghiệp khác trong giới sân khấu.

Đi diễn xa nên sự gọn nhẹ luôn được các nhà hát ưu tiên hàng đầu, chính vì thế những vở kịch được đầu tư nhiều tiền của không phải là sự lựa chọn số một.

Nguyên nhân là bởi vở diễn hoành tráng thì đạo cụ quá cồng kềnh, khó cho di chuyển. Thêm nữa, diễn viên tham gia nhiều quá, trong khi tiền hợp đồng của địa phương không đủ để chia cho ngần ấy người cũng là điều cần tính toán loại bỏ. Những vở từng đi dự các cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp thường khô cứng, khuôn mẫu, nên đôi khi không thích hợp với số đông khán giả nông thôn.

THANH THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh