THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:58

Mùa xuân trên TP. Hồ Chí Minh


Xác định rõ chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giải quyết những thách đố của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, nâng cao chất lương nguồn nhân lực là chương trình thứ nhất trong 7 chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2015-202.

 

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đẹp hơn

 Thành phố Hồ Chí Minh có một hệ thống giáo dục - đào tạo khá đồng bộ từ mầm non đến đại học và dạy nghề. Trên địa bàn có 678 trường mầm non, 470 trường tiểu học, 243 trường THCS, 150 trường THPT và đội ngũ giáo viên hơn 75 nghìn người, bảo đảm chỗ học cho khoảng 1,3 triệu em. Ngoài ra, thành phố còn có hơn 500 cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học, hằng năm thu hút hơn 500 nghìn lượt học viên. Nhờ đó, đến nay, thành phố tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập bậc trung học theo chuẩn của thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 67 trường đại học, cao đẳng và học viện, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng các yêu cầu phát triển của thành phố và cả nước.Có 370 cơ sở dạy nghề, hằng năm có thể thu nhận hơn 30 nghìn học viên trung cấp, cao đẳng nghề và khoảng 320 nghìn học sinh sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Ngoài ra, ở đây còn có 84 trường trung cấp chuyên nghiệp với tổng số học sinh lên đến hơn 83 nghìn 500 em. Nhiều trường đang tập trung đầu tư chiều sâu cho các ngành khoa học mũi nhọn, để liên kết, hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới, các tổ chức nghiên cứu đỉnh cao để chuyển giao khoa học và công nghệ cho Việt Nam và đào tạo ra những nhà khoa học xuất sắc. Thành phố sẽ đầu tư về tài chính vào các trường đại học trọng điểm nhằm làm thay đổi cục diện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vào sự nghiệp phát triển TPHCM. Đầu tư chiều sâu của thành phố cho các trường đại học trọng điểm chính là đầu tư có hiệu quả và bền vững nhất cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ hiện tại mà còn ở tương lai.

Hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á

          Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị cũng được thành phố quan tâm. Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, dỡ bỏ những khu nhà cũ nát, hiệu quả sử dụng thấp, xây dựng những khu đô thị mới, nhà cao tầng hiện đại; dành nhiều diện tích mặt đất để xây dựng công viên, cây xanh tạo sự thân thiện với môi trường; di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ gia đình sinh sống trên và ven một số kênh rạch, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, giải quyết tiêu thoát nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, thực hiện các Chương trình đột phá nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân về giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường; thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng không gian đô thị; từng bước nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường sống tốt hơn cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố. Hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 22 nghìn căn nhà lụp xụp trên và ven kênh, rạch bị ô nhiễm nặng. Trong đó, quận 8 là nơi có nhiều hộ sống ven kênh, rạch, chiếm tỷ lệ lớn nhất với 9.503 căn, tập trung tại các kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, Đôi, Tẻ, Ông Bé, Xóm Củi, Ruột Ngựa, Bến Nghé…

Thành phố đã thành lập Tổ công tác để thực hiện  công tác di dời nhà trên và ven kênh, rạch ở địa bàn quận 8 và các nơi khác theo chương trình đề ra.

Chợ hoa trên sông ngày Tết

          Theo Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong bảy chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Do vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ dồn sức để di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư hư hỏng xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng và phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho thành phố được chủ động phân cấp, phân quyền với năm nội dung, trong đó có nội dung thành phố được chủ động trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để thành phố xây dựng một thành phố sống tốt. Quan điểm của thành phố là, dù có khó thế nào cũng không thể để người dân sống trong môi trường ô nhiễm. Dự án di dời bố trí tái định cư cho người dân sẽ được triển khai theo mô hình đối tác công-tư nhằm giảm thấp nhất việc sử dụng ngân sách nhà nước. Thành phố sẽ giao cho những doanh nghiệp có đủ năng lực tự đầu tư, thành phố trả lại bằng đất ngay khu vực giải tỏa hoặc ở nơi khác mà nhà đầu tư chấp nhận. Chỗ nào doanh nghiệp tham gia được thì để doanh nghiệp làm, còn lại thì Nhà nước lo...

Đón Xuân Đinh Dậu 2017

Trong năm 2016, TPHCM  xây dựng và phát triển mạnh các khu đô thị mới với quy mô lớn, gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam Thành phố và Khu phức hợp Tân Càng Sài Gòn. Khu đô thị mới Thủ Thiêm với 51 dự án phát triển đô thị thành phần đã lựa chọn được chủ đầu tư cho 6 dự án, khởi công 2 dự án. Riêng khu đô thị sinh thái Sala với quy mô 106 ha đã hoàn thành hạ tầng và xây dựng được 20%, trong năm 2016 sẽ tiếp tục đầu tư 5% và dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2020.  Riêng tại Khu đô thị Nam Thành phố, với quy mô 8.052 ha sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước.

        

Tòa nhà Bitexco cao nhất Thành phố

  Chương trình “Xóa đói giảm nghèo” được khởi xướng từ thành phố mang tên Bác vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Đến nay là Chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá”, cuộc hành trình chống đói nghèo của thành phố đã trải qua 3 giai đoạn, với quyết tâm chính trị cao của Thành ủy các nhiệm kỳ và cả hệ thống chính trị các cấp, được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân thành phố, sự chung sức của các vị chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp,… đã tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi động, rộng khắp, liên tục, ngày càng phát triển cả về chất lượng và quy mô; thời gian thực hiện được rút ngắn và mức chỉ tiêu thu nhập tăng lên. Chương trình giảm nghèo của thành phố luôn là một điểm sáng, một thành tựu đáng tự hào và là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xứng đáng mang tên Bác Hồ kính yêu.Chỉ sau 3 năm thực hiện chương trình (năm 1995), thành phố đã không còn hộ thiếu đói. Đến năm 2013, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Hiện tại, chuẩn nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn chuẩn nghèo của quốc gia 2,7 lần nhưng tỉ lệ  người nghèo chỉ còn 0,89%.  

          Cùng với đó, việc tôn vinh, chăm sóc nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công cũng được thành phố quan tâm triển khai thực hiện tốt. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 64.567 người có công và thân nhân đang hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.Thành phố hiện đang chi trả trợ cấp hàng tháng cho 4.312 trường hợp, trong đó có 3.652 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và 660 là con đẻ của họ, 128 người phục vụ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Ngoài ra, thành phố đã cấp 35.228 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng người có công và thân nhân của họ.Thành phố luôn quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa” bằng các việc làm thiết thực, triển khai thực hiện các văn bản, chính sách, pháp luật về người có công. Vì vậy đến nay 100% gia đình chính sách, người có công trên địa bàn đã có cuộc sống ổn định bằng hoặc cao hơn so với mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú.

          Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu để trở thành trung tâm kinh tế-tài chính-khoa học công nghệ của khu vực. Hiên nay, GDP của thành phố chiếm hơn 20% cả nước, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5.800 USD/người năm. Thành phố đi đầu cả nước trong nhiều phong trào, lĩnh vực và được mệnh danh là “Thành phố nghĩa tình”.

NGUYỄN KIM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh